Khi đam mê mở lối làm giàu

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Bằng niềm đam mê, chịu khó tìm tòi và khát vọng làm giàu trên mảnh đất quê hương, nhiều năm nay, ông Hoàng Văn Tâm ở thôn Bản Chán, xã Đồng Phúc (Ba Bể) đã biến đam mê nuôi thuỷ sản thành thu nhập, trở thành lão nông làm kinh tế giỏi tại địa phương.

Từ nhiều năm nay, người dân trong xã đến các tư thương tại huyện Ba Bể đều biết đến ông Hoàng Văn Tâm với mô hình nuôi thuỷ sản đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Một góc trang trại nuôi cá của ông Hoàng Văn Tâm.

Một góc trang trại nuôi cá của ông Hoàng Văn Tâm.

Trang trại nuôi thủy sản của gia đình ông Tâm nằm ngay cạnh con đường bê tông vào thôn Bản Chán - nơi có nhiều tiềm năng du lịch sinh thái. Với niềm đam mê nuôi cá từ nhỏ, trong quá trình nuôi thả cá tại các ao nhỏ cạnh nhà, ông Tâm đã nhiều lần trăn trở làm sao để tận dụng khu đất của gia đình, môi trường nước, khí hậu tại địa phương để đem lại thu nhập từ việc thả cá.

Năm 2012, ông Tâm đã quyết định mở rộng diện tích ao, thuê máy xúc cải tạo đất của gia đình, xây dựng kè quanh ao cá. Hiện ông sở hữu 10.000m2 diện tích đất ao, được chia thành 03 khu nằm sát nhau. Trong đó, ao lớn nhất rộng 3.500m2 tập trung nuôi các loại cá trắm, cá chép, rô phi, cá mè, cá trôi, cá vược…

Ông Tâm cho biết: "Nguồn nước tại địa phương thường mát lạnh vào mùa hè và ấm vào mùa đông nên phù hợp nuôi nhiều loài cá. Cá rô phi, cá trắm cỏ là những loại cá tăng trọng nhanh, phát triển tốt, có thể tận dụng các phụ phẩm nông nghiệp như: rau bèo, cỏ, thân chuối... làm thức ăn cho cá. Để tăng hiệu quả sản xuất, tôi thường thuê thêm từ 5 đến 10 lao động địa phương theo thời vụ."

Nhờ nắm chắc kỹ thuật và am hiểu khí hậu thổ nhưỡng địa phương nên ông Tâm đã thành công ngay lứa đầu tiên, thu lợi hơn 100 triệu đồng. Kiên trì với đam mê, ông không ngừng cập nhật, áp dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi, phòng bệnh cho cá, sưu tầm những loại giống cá mới. Cuối năm 2023, ông Tâm thử nghiệm giống cá chày đất với số lượng 500 con, sau thời gian đàn cá phát triển tốt, đến nay nhiều con đã nặng hơn 1kg.

Việc tiêu thụ cá thương phẩm rất thuận lợi, các tư thương đến tận nơi đặt mua hoặc gia đình ông Tâm đem bán tại các chợ trong huyện. Ngoài ra, ông còn nuôi thêm từ 20 đến 30 con lợn đen bản địa mỗi lứa, tận dụng nguồn thức ăn cho cá; đầu tư chăm sóc hơn 50 cây hồng không hạt, 10.000m2 ruộng, 4ha rừng. Mỗi năm trừ các khoản chi phí gia đình ông thu về trên 100 triệu đồng.

Nhìn nhận lại suốt quá trình chăn nuôi của mình, ông Tâm cho rằng: "Để có thể đem lại thu nhập cao từ nghề nuôi thủy sản, đầu tiên phải có niềm đam mê, sự kiên trì, vận dụng sáng tạo các kinh nghiệm nuôi cá có được vào thực tế sản xuất".

Không những là người làm kinh tế giỏi, ông Tâm còn hăng hái tham gia công tác xã hội, hiện nay ông là Bí thư Chi bộ, Công an viên thôn Bản Chán. Mọi người trong thôn, trong xã khi nhắc đến ông đều ấn tượng bởi sự nhiệt tình, chăm chỉ lao động sản xuất, dành nhiều thời gian để tuyên truyền vận động bà con học tập kinh nghiệm, cách làm ăn mới trong phát triển sản xuất. Từ sự thành công của mô hình nuôi trồng thuỷ sản tại địa phương của ông Tâm, nhiều hộ dân trong xã Đồng Phúc đã mạnh dạn làm theo và thu được kết quả khá.

Với sự nỗ lực, miệt mài trong phát triển sản xuất đem lại hiệu quả cao, nhiều năm liên tục ông được công nhận đạt hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp.

Mô hình kinh tế đem lại thu nhập khá của ông Hoàng Văn Tâm đã trở thành động lực, mở ra một hướng đi mới cho các hộ nông dân tại xã Đồng Phúc trong việc phát huy lợi thế để làm kinh tế, nâng cao thu nhập, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương./.

Xem thêm