"Kho rượu" Bằng Phúc thời bão giá nguyên liệu

BBK -  Sản phẩm rượu men lá là thương hiệu nổi tiếng của xã Bằng Phúc (Chợ Đồn). Để nấu ra rượu men lá trứ danh, bí quyết quan trọng nhất chính là men lá bản địa, tạo nên hương vị đượm nồng của rượu Bằng Phúc.
Xã Bằng Phúc có nghề nấu rượu truyền thống trứ danh.

Xã Bằng Phúc có nghề nấu rượu truyền thống trứ danh.

Nghề nấu rượu men lá Bằng Phúc đã có từ rất lâu. Hàng chục nghìn lít rượu được sản xuất ra mỗi ngày, cũng đồng nghĩa lượng lớn nguyên liệu gạo được bà con Bằng Phúc tiêu thụ. Cũng từ nghề nấu rượu, tận dụng bỗng rượu trong quá trình sản xuất, các hộ dân trong xã phát triển chăn nuôi lợn rất hiệu quả.

Bí thư Đảng ủy xã Bằng Phúc Hoàng Văn Liến cho biết: Nghề nấu rượu và chăn nuôi lợn những năm qua được duy trì và phát triển mạnh, giúp cho gần một nửa tổng số hộ dân trong xã có việc làm ổn định và thu nhập khá. Toàn xã có 08 thôn, gồm: Nà Bay, Nà Pài, Nà Hồng, Bản Mới, Bản Quân, Bản Chang, Bản Khiếu, Khuổi Cườm, với tổng số 313 hộ gia đình, cơ sở sản xuất và hợp tác xã tham gia sản xuất rượu men lá. Trong 02 năm gần đây, doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh rượu đạt trên 144 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động chăn nuôi khoảng 44 tỷ đồng.

Nghề nấu rượu đem lại thu nhập ổn định cho các hộ dân Bằng Phúc.

Nghề nấu rượu đem lại thu nhập ổn định cho các hộ dân Bằng Phúc.

Từ đầu năm đến nay, lượng rượu bán ra tại các nhà hàng giảm, mặt khác giá gạo tăng liên tục trong hơn một tháng qua, chênh lệch lên đến vài triệu đồng mỗi tấn. Điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của người nấu rượu.

Chị Hoàng Thị Bạch ở thôn Nà Bay chia sẻ: Nghề nấu rượu men lá Bằng Phúc đang gặp khó khăn, nguyên nhân là do giá gạo tăng cao. Trước đây, gạo có giá khoảng 11.000 đồng/kg, nay lên đến 15.000 đồng/kg. Điều này kéo theo giá rượu sẽ tăng, từ 18.000 đồng/lít đến nay chúng tôi phải bán với giá 21.000 đồng/lít mới có thể thu lãi.

Chị Bạch chia sẻ thêm, từ nghề nấu rượu, mỗi năm nhà chị nuôi khoảng 2 đến 3 lứa lợn, mỗi lứa khoảng 300 con. Tuy nhiên, từ đầu năm 2023 đến nay tổng đàn đã phải giảm xuống 150 đến 180 con mỗi lứa. Trung bình mỗi ngày, gia đình chị nấu khoảng 500kg gạo, tương đương 500 lít rượu, tận dụng bỗng rượu để đáp ứng nhu cầu thức ăn nuôi khoảng 150 con lợn.

Theo các hộ dân, đầu ra của sản phẩm rượu ổn định thì người dân có lãi và có thêm thu nhập từ chăn nuôi lợn. Giảm sản lượng sản xuất rượu đồng nghĩa hoạt động chăn nuôi cũng bị thu hẹp.

Người dân Bằng Phúc có thêm nguồn thu nhập từ tận dụng bỗng rượu phục vụ chăn nuôi lợn.

Người dân Bằng Phúc có thêm nguồn thu nhập từ tận dụng bỗng rượu phục vụ chăn nuôi lợn.

Theo đồng chí Hoàng Văn Liến, Bí thư Đảng ủy xã: Hiện nay, sản phẩm rượu của người dân sản xuất một phần được được bán ngay tại địa phương, thông qua một số HTX, như HTX Rượu men lá Thanh Tâm, HTX rượu men lá Bằng Phúc, Cơ sở sản xuất rượu Tô Hoài… Những cơ sở này đã có mẫu mã, bao bì, tem mác, truy xuất nguồn gốc, chứng nhận sản phẩm OCOP và có các kênh tiêu thụ ổn định như cửa hàng, đại lý, siêu thị trong và ngoài tỉnh. Còn lại phần lớn cơ sở, hộ gia đình chưa có tem mác, bao bì, truy xuất nguồn gốc, chưa đạt tiêu chuẩn OCOP.

Rượu men lá Bằng Phúc đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Đây cũng là một trong 2 sản phẩm OCOP của Bắc Kạn được xuất khẩu. Sản lượng rượu men lá Bằng Phúc sản xuất đạt gần 210.000 lít/tháng, tương đương hơn 6.000 lít/ngày, được tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Tuy nhiên, thời điểm này, sản lượng sản xuất rượu ở xã Bằng Phúc giảm xuống còn khoảng 4.000 lít/ngày. Ngoài ra, sản phẩm rượu của đa số các hộ dân chưa có đầu ra ổn định, giá nguyên liệu đầu vào đắt như gạo, củi, nhân công, đầu ra giá thấp nên hoạt động sản xuất có chiều hướng giảm. Đây cũng là những khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm rượu ở Bằng Phúc.

Nghề nấu rượu ở Bằng Phúc gắn với chăn nuôi lợn, vì vậy hoạt động sản xuất rượu sụt giảm cũng kéo theo những khó khăn trong công tác phát triển chăn nuôi của địa phương. Bão giá nguyên liệu gạo đang khiến các hộ dân Bằng Phúc gặp khó trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm lâu nay được coi là thế mạnh của địa phương./.

Xem thêm