Khởi nghiệp từ niềm đam mê

BBK - Từ một “thú chơi”, anh Dương Xuân Việt ở thôn Bản Đán, xã Đôn Phong, huyện Bạch Thông đã bén duyên và biến gà rừng thành vật nuôi mang lại giá trị kinh tế cao.

Nằm trong khe núi yên tĩnh là vườn cây ăn quả rộng hơn 3ha của gia đình anh Dương Xuân Việt. Sau tiếng huýt sáo của chủ vườn, dưới tán cây cam, quýt xanh mát xuất hiện những con gà rừng nhiều màu sắc…

Vừa dẫn chúng tôi đi quanh khu vườn đồi nuôi gà rừng, anh Việt vừa kể về cơ duyên đến với loài vật nuôi này.

z5454730539997_fda236471268b8d0133fe54a9d408877.jpg
Anh Dương Xuân Việt cho hay, kỹ thuật nuôi gà rừng cần tỉ mỉ, giữ môi trường giống tự nhiên.

Anh Dương Xuân Việt kể: “Cách đây khoảng 5 năm, khi đi bẫy được gà rừng mang về, tôi đã tập nuôi thử và tìm lấy trứng gà rừng để ấp giống. Khi gà nở, tôi nuôi theo phương thức giống như gà nhà, nhưng được một thời gian gà chết vì không thích nghi được”.

Không nản chí, anh Việt lên mạng tìm kiếm các thông tin hướng dẫn nuôi gà rừng để tiếp tục niềm đam mê của mình. Từ sách báo, mạng internet, anh Việt được biết gà rừng vốn sống trong tự nhiên nên môi trường sạch sẽ, khi được nuôi trong môi trường như gà nhà chúng sẽ chết.

Nắm được điểm mấu chốt, anh Việt bắt tay vào xây dựng chuồng trại, sửa sang vườn tược để gà rừng nuôi trong môi trường trong lành giống với tự nhiên. Sau khi áp dụng kỹ thuật, gà rừng con sinh trưởng tốt, không xảy ra tình trạng gà chết nữa. Dần dần, đàn gà được nhân lên ngày một nhiều. Sau 2 năm, số lượng gà bố mẹ phát triển ổn định, anh Việt bắt đầu bán gà trưởng thành ra thị trường. Hiện nay, đàn gà rừng của anh Việt luôn duy trì khoảng 100 con.

z5456670355492_b04744def6d428edf991a7320613e60d.jpg

Theo kinh nghiệm của anh Việt, thời gian đầu nuôi gà rừng, người nuôi phải thật sự chú ý, chăm sóc tỉ mỉ. Nên nuôi gà rừng con trong lồng, gà nở vào mùa đông phải nuôi úm, chuồng cho gà con phải cao hơn mặt đất khoảng 50cm nhằm tránh chuột, rắn… Khác với gà nhà, gà rừng có khả năng miễn dịch cao nên ít rủi ro dịch bệnh. Tuy nhiên, vào mùa mưa gà dễ bị các bệnh về hô hấp nên anh thường ngăn ngừa bằng việc giữ gìn chuồng trại sạch sẽ, tiêm ngừa và cách ly các con bị bệnh để khỏi lây lan.

Anh Việt chia sẻ về việc bán gà rừng trên nền tảng mạng xã hội.

Gà rừng khác gà ta ở nhiều chi tiết như: Gà rừng có vóc dáng nhỏ nhắn, bộ lông màu sặc sỡ, tiếng gáy vang, thanh và sức đề kháng tốt hơn nhiều so với gà nhà. Một điểm thú vị là gà rừng có thể bay như chim. Gà rừng trưởng thành cân nặng khoảng 0,8-1kg. Khi nuôi, lúc nhỏ thức ăn là cám công nghiệp, lớn lên chủ yếu là thóc, ngô, ngoài ra cho ăn thêm rau, củ, quả, chuối rừng… Ưu điểm nổi trội của nuôi gà rừng là tốn ít chi phí thức ăn vì chúng chỉ ăn một bữa lúc sáng sớm rồi tự đi tìm thức ăn, tối mới về ngủ. Chỗ ngủ ưa thích của loại gà này là trên các tán cây.

Hiện nay, mỗi năm anh Việt xuất bán khoảng 200 con gà rừng trưởng thành, với giá bán trung bình từ 500.000 đồng trở lên cho một cặp gà rừng trưởng thành. Gà có màu sắc càng đẹp giá càng cao. Sau khi trừ chi phí, anh Việt thu về số tiền lãi hơn 50 triệu đồng.

Anh Việt chia sẻ về dự định sắp tới.

Giờ đây, khu vườn ở thôn Bản Đán của anh Việt đã trở thành nơi tham quan và mua gà rừng của người dân trong vùng. Không những thế, đây còn là địa chỉ cung cấp gà rừng giống, gà rừng cảnh cho nhiều khách hàng đến từ các tỉnh, thành phố như: Thái Nguyên, Hà Nội và một số tỉnh Tây Bắc.

Anh Việt còn xây dựng kênh youtube, facebook để đăng tải quá trình chăn nuôi gà rừng đến lúc xuất bán, để bán gà rừng trên mạng. Anh Việt cho biết, sắp tới sẽ tiếp tục học hỏi kinh nghiệm, áp dụng khoa học kỹ thuật để nuôi gà rừng hiệu quả hơn, phát triển đàn gà mang lại nguồn thu nhập cao hơn.

Ngoài nuôi gà rừng, anh Việt còn phát triển khu đồi trồng cam, quýt rộng khoảng 1ha đã cho thu hoạch và hơn 2ha rừng trồng.

Anh Hoàng Văn Sang, Bí thư Đoàn xã Đôn Phong nói về mô hình của anh Dương Xuân Việt.

Anh Hoàng Văn Sang, Bí thư Đoàn thanh niên xã Đôn Phong (Bạch Thông) cho biết: Mô hình chăn nuôi gà rừng, kết hợp trồng cây ăn quả của anh Việt đã mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế ở địa phương. Từ mô hình này, sẽ tạo động lực để nhiều đoàn viên, thanh niên trong xã mạnh dạn khởi nghiệp từ các tiềm năng, lợi thế của địa phương và từ niềm đam mê của bản thân…/.

Xem thêm