Thiệt hại nông, lâm nghiệp và thủy sản hơn 2.000ha
Dọc theo sông Cầu từ xã Nông Hạ xuống đến thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ Mới, phóng viên ghi nhận rất nhiều cánh đồng lúa, ngô bị đổ rạp do lũ cuốn, đất đá vùi lấp. Nước rút, người dân tranh thủ ra đồng xem ruộng, cây nào khôi phục được bà con vẫn cố dựng lại với hy vọng “Còn nước, còn tát”. Ở cánh đồng Tồng Cổ, nơi trồng diện tích ngô lớn nhất thị trấn Đồng Tâm cũng bị nước lũ càn quét qua, vài chục héc-ta ngô soi bãi giờ bị phủ bằng lớp đất, bùn lầy, không còn cây nào nhô lên.
Ông Bùi Nguyên Quỳnh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Chợ Mới cho biết: “Toàn huyện có hơn 260ha cây nông, lâm nghiệp bị ảnh hưởng, trong đó lúa 104ha; ngô, hoa màu 96ha; cây lâm nghiệp 65ha. Ngay sau khi bão đi qua, địa phương đã có văn bản chỉ đạo hướng dẫn người dân khắc phục hậu quả, tuy vậy vẫn còn khá gian nan”.
Cánh đồng Bản Châng, xã Mỹ Thanh (huyện Bạch Thông) là nơi có nhiều diện tích ngô, lúa bị đất, cát vùi lấp do lũ. Gia đình ông Hoàng Thanh Vui có 1.800m2 lúa bị đất cát tràn vào làm hỏng khi đang vào giai đoạn đón đòng. Ông cho biết, sắp tới gia đình sẽ cải tạo lại bằng cách hót dọn hết lượng cát có trong ruộng, bổ sung thêm đất màu trước khi canh tác các vụ tiếp. Ông Vui cho hay gần chục năm nay, mới thấy có đợt lũ lớn như vậy.
Theo thống kê của Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT, toàn tỉnh có hơn 2.000ha diện tích nông, lâm nghiệp và thủy sản bị thiệt hại sau bão. Các địa phương bị thiệt hại nặng nhất gồm: Chợ Đồn hơn 500ha, Ba Bể hơn 490ha, Na Rì 462ha, Chợ Mới 286ha, Bạch Thông 116ha, Ngân Sơn 101ha, thành phố 30ha, Pác Nặm ảnh hưởng ít nhất 9ha. Nhiều gia súc, gia cầm bị chết do nước cuốn...
Chú ý chăm sóc, tăng diện tích cây ngắn ngày, cây vụ đông
Để khôi phục lại sản xuất, ngay sau cơn bão số 3 đi qua, Sở NN&PTNT đã có văn bản tham mưu cho UBND tỉnh hướng dẫn người dân khắc phục sản xuất nông, lâm nghiệp.
Theo đó, với diện tích cây trồng bị gãy đổ, tháo nước, dựng lại khóm lúa bằng cách lấy dây chuối hoặc dây rơm buộc 3-4 khóm lại với nhau để cho đứng. Với cây không có khả năng khôi phục, khẩn trương vệ sinh đồng ruộng, áp dụng linh hoạt các phương thức làm đất, gieo trồng để mở rộng diện tích cây vụ đông, cây ngắn ngày. Với diện tích lúa giai đoạn làm đòng - ngậm sữa, dựng lúa nếu bị đổ rạp, sau khi thời tiết tạnh ráo tiến hành phun bổ sung phân bón lá kali để cây lúa nhanh chóng phục hồi, đứng nhanh và thúc đẩy lúa trỗ thoát.
Tăng cường công tác quản lý vật tư nông nghiệp (giống cây trồng, phân bón và thuốc BVTV…), không để xảy ra tình trạng thiếu các loại vật tư nông nghiệp, đồng thời đảm bảo chất lượng các loại vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất.
Trên cây lâm nghiệp, tuyên truyền, hướng dẫn chủ rừng xử lý, khai thác rừng bị thiệt hại, phục hồi và trồng lại rừng sau thiên tai. Khu vực có vật nuôi bị chết, chuồng trại bị ngập nước, thực hiện tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh trong môi trường.
Trường hợp xảy ra úng ngập, cần di dời đàn vật nuôi lên vị trí cao hơn; chăm sóc, nâng cao sức đề kháng vật nuôi bằng cách cung cấp đầy đủ thức ăn, bổ sung dinh dưỡng phù hợp với từng đối tượng nuôi.
Ngành nông nghiệp tiếp tục đôn đốc các địa phương thực hiện công tác rà soát, thống kê diện tích nông nghiệp bị thiệt hại chính xác để đề xuất hỗ trợ theo quy định hiện hành, giúp người dân kịp thời khôi phục sản xuất./.