Giảm nghèo bền vững

Không có đường ô tô, người dân các thôn vùng cao ở Nam Mẫu khó thoát nghèo

BBK - Xã Nam Mẫu (Ba Bể) có 08 thôn, thì có tới 05 thôn vùng cao khó khăn bậc nhất của huyện Ba Bể cũng như của tỉnh Bắc Kạn, bởi đây là những thôn chưa có đường ô tô đến nơi, chỉ có đường đất, khiến việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn.

Ô tô chỉ đến được đầu các thôn này và phải đi vòng từ xã Xuân Lạc (Chợ Đồn) hoặc từ xã Đà Vị (Tuyên Quang) sang. Chính vì thế đây là những thôn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, có thôn tỉ lệ hộ nghèo là 100%.

Cô giáo Nông Thị Bắc, giáo viên ở Điểm trường Khau Qua (Trường Tiểu học và THCS Nam Mẫu) ngày nào cũng đi lại 02 lượt trên con đường mòn, xuyên rừng, có đoạn dốc đá cao, chênh vênh từ nhà đến Điểm trường.

Cô Bắc tâm sự: “Con đường chỉ nhỏ vừa bánh xe máy, nếu có xe máy đi ngược chiều là phải dừng lại nghiêng xe để người khác đi trước mới tránh được nhau. Gặp buổi trời mưa, có những đoạn qua bờ ruộng trơn tuột, muốn đi qua chỉ có cách xuống dắt xe, nhờ người đằng sau đẩy hộ. Bùn bám khắp nơi, lại phải xuống suối rửa bớt mới đi tiếp được. Có chỗ gồ lên như “sống dao”, chệch bánh xe, không ghì nổi tay lái, cả người và xe đổ kềnh, chỉ gang tấc là rơi xuống vực”.

Con đường đến các thôn vùng cao của xã Nam Mẫu (Ba Bể).

Con đường đến các thôn vùng cao của xã Nam Mẫu (Ba Bể).

Cô giáo Nguyễn Thị Thùy, một tuần có một ngày lên dạy môn Tiếng Anh ở Điểm trường Đán Mẩy và Khau Qua tâm sự: “Nhà tôi ở xã Nam Cường (Chợ Đồn), nhưng dạy ở Nam Mẫu. Hằng ngày, nếu đến trường chính chỉ khoảng 5-6km, nhưng lên điểm trường thì xa hơn 35km. Buổi sáng tôi xuất phát từ xã Nam Cường phải vòng qua xã Xuân Lạc, giáp với xã Đà Vị của tỉnh Tuyên Quang rồi mới đến Điểm trường. Quãng đường cả đi lẫn về khoảng 70km”.

Ở các điểm trường Đán Mẩy, Khau Qua, Nà Nghè (Nam Mẫu) có khoảng hơn 20 thầy cô giáo “cắm bản”, thường xuyên phải đi lại trong điều kiện đường sá vô cùng khó khăn, vất vả.

Hằng ngày các cô giáo đến các phân trường ở Nam Mẫu rất vất vả.

Hằng ngày các cô giáo đến các phân trường ở Nam Mẫu rất vất vả.

Nà Phại là thôn vùng cao nhất, khó khăn nhất của xã Nam Mẫu. Anh Hoàng Văn Minh, dân tộc Mông, từng xuất ngũ về địa phương, được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ thôn cho biết: “Nà Phại có 74 hộ dân tộc Mông, với 439 khẩu, sống rải rác khắp triền núi. Đường từ ngoài vào thôn đã khó, đến từng hộ còn vất vả hơn nhiều, chủ yếu đi bộ. Mặc dù điện lưới đã được Nhà nước đầu tư về đến trung tâm thôn nhưng hầu như người dân không có tiền mua dây kéo điện về nhà. Cả thôn chỉ có 17ha ngô, 05ha lúa. 100% là hộ nghèo, nhiều hộ phải cứu đói giáp hạt.

Mặc dù được Nhà nước quan tâm đầu tư khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế, nhưng không có đường ô tô đến, sản phẩm làm ra cũng khó đem đi tiêu thụ. Giá vật tư phân bón, giống mua từ ngoài vào giá cũng cao do chi phí vận chuyển lớn, người dân thu về không được bao nhiêu, thậm chí còn không có lãi”.

Anh Minh cũng cho biết có những trường hợp thật đau xót như: Đôi vợ chồng người Mông trong thôn, con nhỏ sốt cao, đưa đi cấp cứu bằng xe máy, đến nửa đường con không cứu được do thời gian quãng đường đến trạm y tế xã quá lâu, hơn 1 tiếng đồng hồ. Đây không phải trường hợp duy nhất mà có rất nhiều người ốm nặng không vận chuyển ra cơ sở y tế được. Trẻ em đến trường rất vất vả, tỷ lệ học sinh học tốt nghiệp THCS đi học lên THPT rất ít”.

Trao đổi về những khó khăn này, Chủ tịch UBND xã Nam Mẫu Ngôn Văn Sơn cho biết: “Nam Mẫu có 05 thôn vùng cao với tổng số 240 hộ dân nhưng có tới 02 thôn 100% hộ nghèo (Nà Phại, Đán Mẩy) và 03 thôn trên 90% hộ nghèo (Nà Nghè, Khau Qua, Nặm Dài). Một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này là hạ tầng giao thông thấp kém. Người dân sản xuất khó tiêu thụ, sản phẩm tự cung tự cấp. Hiện nay xã đã đăng ký nhu cầu vốn đầu tư theo Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi giai đoạn I (2021-2025), trong đó có nhu cầu đầu tư xây dựng, cải tạo các công trình giao thông nông thôn ở những thôn vùng cao này”.

Các thôn vùng cao này có tỷ lệ hộ nghèo trên 90% trở lên, có 02 thôn 100% hộ nghèo.

Các thôn vùng cao này có tỷ lệ hộ nghèo trên 90% trở lên, có 02 thôn 100% hộ nghèo.

Giao thông là cơ sở hạ tầng thiết yếu quan trọng hàng đầu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở bất kỳ địa phương, vùng miền nào. Với bà con vùng cao, đồng bào dân tộc thiểu số đời sống vô cùng khó khăn, thiếu thốn cần sớm nhận được sự quan tâm đầu tư kịp thời của Nhà nước mới có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và giải quyết các vấn đề xã hội khác.

Xem thêm