Khắc phục thiếu sót trong thực hiện chính sách đối với người hoạt động kháng chiến:

Kỳ 1: Những hạn chế trong thực hiện chính sách ưu đãi

BBK - Tỉnh Bắc Kạn luôn quan tâm thực hiện chính sách cho người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, cùng với việc quản lý, sử dụng kinh phí ưu đãi người có công. Cuộc sống các gia đình người có công ngày càng được cải thiện, nhưng vẫn còn một số thiếu sót cần khắc phục trong quá trình thực hiện.

Nhiều trường hợp hồ sơ chưa chính xác

Tỉnh Bắc Kạn đang quản lý tổng số 22.791 hồ sơ người có công (NCC) và thân nhân NCC hưởng chế độ. Trong số này, có 2.090 hồ sơ liệt sĩ; 137 lão thành cách mạng; 432 cán bộ tiền khởi nghĩa; 16.295 người hoạt động kháng chiến (HĐKC) hưởng trợ cấp một lần; 946 thương binh; 510 bệnh binh; 2.257 người HĐKC và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học (CĐHH) - đang hưởng chế độ là 1.298 người; 24 người hoạt động cách mạng, người HĐKC bị địch bắt, tù đày; 100 Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

z5953660530143-787f421af69f5d3655ae29d637157f9c-6466-5702.jpg
Phóng viên Báo Bắc Kạn trao đổi phỏng vấn với lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về giải quyết sự việc theo ý kiến của cấp có thẩm quyền.

Thực tế, phần lớn các trường hợp nói trên đã được hưởng đúng, đầy đủ chế độ, chính sách của Nhà nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện hồ sơ hưởng chính sách vẫn còn có thiếu sót dẫn tới nhiều trường hợp hưởng sai chế độ theo quy định.

Cụ thể, cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định có 45 trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn hưởng chế độ con đẻ của người HĐKC bị nhiễm CĐHH. Lý do là các trường hợp này không bị dị dạng, dị tật hoặc bị dạng, dị tật nhẹ, còn khả năng lao động.

Xác định có 15 trường hợp đang hưởng trợ cấp mức giảm khả năng lao động 81%, nhưng kết quả kiểm tra, xác minh, thực chứng cho thấy các trường hợp này còn khả năng tự lực trong sinh hoạt, cần phải điều chỉnh mức hưởng.

Bên cạnh đó, xác định có 168 trường hợp được Hội đồng Giám định Y khoa khám giám định thêm bệnh so với bệnh ghi trong giấy giới thiệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) hoặc xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể không đúng với bệnh khám giám định. Ngoài ra, có 06 trường hợp đang hưởng chế độ người HĐKC bị nhiễm CĐHH nhưng hồ sơ chưa có giấy tờ vùng miền hoặc chưa bảo đảm theo quy định.

Ý kiến ban đầu của những người trong cuộc

Trước thông tin cơ quan chức năng xác định nhiều trường hợp hưởng chưa đúng, hưởng sai chế độ nên cần phải điều chỉnh giảm mức hưởng hoặc chấm dứt chế độ, thu hồi phần kinh phí đã hưởng, khiến nhiều người có những băn khoăn, thắc mắc.

33-6222.jpg
Ông Triệu Đức Tuấn, thôn Tân Hoan, xã Tân Tú (Bạch Thông).

Cụ thể, trao đổi với chúng tôi, ông Triệu Đức Tuấn (sinh năm 1943) hiện ở thôn Tân Hoan, xã Tân Tú (Bạch Thông) cho biết: Nhập ngũ năm 1965 và tham gia chiến đấu ở nhiều chiến trường miền Nam, đến năm 1978 ông được xuất ngũ. Qua giám định cơ quan chuyên môn xác định ông Tuấn bị nhiễm CĐHH, nên đến năm 2007 con gái út của ông là Triệu Thị Ngọc (sinh năm 1986) được cho đi giám định và được xác định tỷ lệ tổn thương cơ thể 50%.

Tháng 5/2024, cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác minh xác định chị Triệu Thị Ngọc không bị lác mắt, không bị dị dạng, dị tật, hỏi đáp, giao tiếp, tiếp xúc bình thường, không có biểu hiện thiểu năng trí tuệ… Theo đó, xác định chị Ngọc không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để hưởng chế độ con đẻ của người HĐKC bị nhiễm CĐHH. Tuy nhiên, ông Triệu Đức Tuấn cho rằng, số tiền mà con gái ông được hưởng trong thời gian qua đều đã chi trả cho việc ăn, học và khám, chữa bệnh. Đến nay gia đình không có tiền để hoàn trả cho Nhà nước.

22-7890.jpg
Chị Phạm Thị Tuyết, thị trấn Nà Phặc (Ngân Sơn) hằng ngày vẫn làm việc để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Chị Phạm Thị Tuyết (sinh năm 1975), trú tại thị trấn Nà Phặc (Ngân Sơn).

Với trường hợp chị Phạm Thị Tuyết (sinh năm 1975), trú tại thị trấn Nà Phặc (Ngân Sơn), là con ông Phạm Ngọc Lợi (đã chết). Sau khi kiểm tra, cơ quan chức năng xác định chị Tuyết không bị dị dạng, dị tật, không có biểu hiện thiểu năng trí tuệ... Theo chị Tuyết, số tiền được hưởng trong thời gian qua chủ yếu chi vào việc mua thuốc vì bản thân thường xuyên bị đau đầu. Hiện nay, gia đình cũng không có khả năng hoàn trả số tiền trên.

11-5620.jpg
Vợ chồng ông Nguyễn Duy Ruyến, ở tổ 3, phường Phùng Chí Kiên (TP. Bắc Kạn) bên con gái bị dị tật.
Ông Nguyễn Duy Ruyến, ở tổ 3, phường Phùng Chí Kiên (TP. Bắc Kạn).

Hay như với trường hợp anh Nguyễn Duy Doanh (sinh năm 1989), con ông Nguyễn Duy Ruyến, ở tổ 3, phường Phùng Chí Kiên (TP. Bắc Kạn), cơ quan chức năng xác định anh Nguyễn Duy Doanh chân trái ngắn hơn chân phải 0,5cm, xương bánh chè bên trái to hơn xương bánh chè bên phải mức độ nhẹ không ảnh hưởng đến vận động, không bị teo cơ... Theo ông Nguyễn Duy Ruyến, cùng với được hưởng trợ cấp, gia đình đã thêm tiền vào để mua thuốc, điều trị cho con trai, tốn rất nhiều tiền. Đến nay, sau nhiều năm cơ quan chức năng mới lại tiến hành thanh tra, kiểm tra, xác minh thực chứng thì sức khỏe có khác so với thời điểm trước đây là hiển nhiên.

Hiện nay, ông Ruyến còn một người con gái (sinh năm 1983, là chị gái của anh Doanh), chỉ nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều do bố, mẹ chăm lo, chưa kể tiền mua thuốc nên gia đình rất khó khăn, không có điều kiện để hoàn trả số tiền mà anh Doanh đã được hưởng.../. (Còn nữa)

Xem thêm