Nâng cao hiệu quả quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông:

Kỳ 2: Tuân thủ nghiêm các quy định về quản lý dự án

BBK - Để hoàn thiện một dự án giao thông, nhất là dự án mở mới tuyến đường tại vùng miền núi có điều kiện địa hình, địa chất khó khăn hiểm trở như tỉnh Bắc Kạn đòi hỏi sự tập trung rất lớn về nguồn lực, công sức, trí tuệ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Những khó khăn phát sinh luôn xảy ra, cần quyết tâm lớn mới có thể giải quyết được.

32781282839c21c2788d.jpg
Đồng chí Đinh Quang Tuyên (áo trắng), Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh kiểm tra hạng mục cải tạo, nâng cấp cầu treo Pác Ngòi nằm trong Dự án Xây dựng hạ tầng giao thông khu vực xung quanh hồ Ba Bể .

Tuân thủ quy định, đảm bảo mục tiêu kép

Giai đoạn 2021 - 2025, Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông được tỉnh Bắc Kạn giao nhiệm vụ đảm trách nhiều dự án giao thông quan trọng, trong đó có 04 dự án giao thông trọng điểm.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng công trình giao thông tỉnh cho biết: “Để một dự án giao thông quy mô lớn hoàn thiện đi vào vận hành phải trải qua một quá trình với rất nhiều các bước thủ tục liên quan từ cơ sở đến các bộ, ban, ngành Trung ương như: Xin chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng; Phê duyệt khung chính sách GPMB; Chấp thuận chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa… Đây là các thủ tục bắt buộc phải hoàn thành trước khi thực hiện dự án, liên quan nhiều Bộ, ngành tham mưu, trong khi quy định khắt khe về nhiều mảng dữ liệu liên quan, đặc biệt khó khăn cho các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh do tính đặc thù về số liệu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; do diện tích rừng tự nhiên, bảo tồn lớn.

Mặt khác, trong thời gian qua, mặc dù có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, nhưng Bắc Kạn vẫn là vùng trũng về cơ cấu kinh tế của cả nước. Việc này ảnh hưởng, tác động không nhỏ đến quy mô các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp ngành giao thông. Các doanh nghiệp có quy mô, doanh thu, kinh nghiệm tương tự rất nhỏ, trong khi tỉnh có những dự án có quy mô đầu tư trên 3.000 tỷ đồng. Các dự án của Ban trong thời gian qua đã thực hiện theo phương án chia các gói thầu phù hợp với tình hình chung của tỉnh và tăng dần quy mô theo thời gian. Đảm bảo 02 mục tiêu đó là: Tiến độ, chất lượng dự án và hỗ trợ tối đa phát triển các doanh nghiệp của tỉnh. Từng bước để doanh nghiệp địa phương tương đối phù hợp khi triển khai các dự án có quy mô lớn hơn trong tương lai.

Việc đấu thầu các gói thầu thời gian qua đảm bảo minh bạch, cạnh tranh, đúng quy định hiện hành. Trong đó, 100% các gói thầu phải đấu thầu thuộc các dự án do Ban QLDA làm chủ đầu tư đều được thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia. Việc đăng tải, cung cấp thông tin về các gói thầu như: Kế hoạch lựa chọn nhà thầu, dự toán gói thầu, thông báo mời thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu trên hệ thống mạng đấu thầu được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đúng thời gian qui định, đảm bảo công khai, minh bạch, không hạn chế số lượng nhà thầu.

Tỷ lệ giảm giá của các gói thầu do nhà thầu tự khảo sát mặt bằng giá, xây dựng biện pháp thi công, nguyên vật liệu. Thực tế, do điều kiện đặc thù của một số dự án thời gian qua, nhà thầu gặp không ít khó khăn về tài chính vì các yếu tố không lường trước như: Biến động giá vật liệu, nhiên liệu, nhân công.

Kể từ năm 2022, Ban QLDA đã đưa nội dung “Dự án có kiểm soát chi” trong dữ liệu mời thầu với mục tiêu “kinh phí dự án sẽ sử dụng ưu tiên thực hiện dự án”, giảm tối đa rủi ro tài chính của Dự án. Đây là một biện pháp mới, để tăng cường, ngăn ngừa rủi ro về tài chính công trường đối với các nhà thầu tham gia dự án, góp phần đảm bảo chất lượng, tiến độ triển khai.

Với chức năng tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về quy hoạch, kế hoạch và đầu tư phát triển và đấu thầu, ông Trần Công Hoà, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Bắc Kạn cho biết: “Trong những năm gần đây, công tác đấu thầu, lựa chọn nhà thầu của các gói thầu thuộc dự án đầu tư công, trong đó có các dự án giao thông cơ bản được thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia và tuân thủ các quy định của đấu thầu qua mạng. Do đó, công tác đấu thầu trên địa bàn tỉnh về cơ bản đảm bảo nguyên tắc cạnh tranh, công bằng, minh bạch và tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu. Các nhà thầu được lựa chọn có chất lượng, năng lực, kinh nghiệm tốt nhất, đáp ứng các yêu cầu về kinh tế, kỹ thuật. Nhờ đó, đã góp phần thúc đẩy công tác giải ngân vốn đầu tư và đảm bảo hiệu quả đầu tư của dự án".

Chủ động tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến trình dự án

Một trong những bước quyết định đến tiến độ triển khai dự án đó là giải phóng mặt bằng. Ban QLDA đầu tư các công trình giao thông tỉnh gần như là Chủ đầu tư duy nhất tự thực hiện toàn bộ trách nhiệm về xây dựng và GPMB của các dự án được giao. Việc này đòi hỏi các cán bộ, nhân viên trong Ban QLDA vừa thông thạo về trình tự đầu tư xây dựng cơ bản, vừa tinh thông về quy trình thu hồi đất đai, vừa hài hòa giữa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội với quyền lợi hợp pháp của người dân bị ảnh hưởng.

Về tổng thể, công tác này trong thời gian qua đã được Ban QLDA thực hiện nhanh gọn, cơ bản nhận được sự đồng thuận của người dân khi triển khai dự án. Đơn cử như tuyến đường thành phố Bắc Kạn – hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang) đoạn 37km, công tác giải phóng mặt bằng được triển khai chỉ trong vòng hơn 02 tháng với việc giải quyết chính sách cho 830 hộ dân bị ảnh hưởng. Tiếp tục đoạn từ hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang có chiều dài 40km, Ban đã phối hợp với huyện Ba Bể triển khai nhịp nhàng, việc tiến hành thống kê, kiểm đếm cây cối, tài sản khá nhanh, xong trong vòng hơn 1 tháng để triển khai các bước tiếp theo. Những khó khăn, vướng mắc được tháo gỡ kịp thời, không để tình trạng vì không có mặt bằng mà công trình phải dừng thi công, chậm tiến độ không thể về đích”.

fac674c4d9da7b8422cb.jpg
Tuyến thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể nhiều đoạn qua vùng địa chất yếu, sạt trượt khối lượng lớn đất đá, gây khó khăn cho thi công, tốn kém chi phí đối với dự án, ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ công trình.

Nhận diện khó khăn, giải pháp khắc phục

Đặc thù là một tỉnh miền núi, thực tế việc triển khai thi công các công trình giao thông gặp rất nhiều khó khăn. Địa hình phức tạp, chia cắt, hướng tiếp cận khó, không thể triển khai thi công đồng loạt, quá trình thi công thường xuyên xảy ra sạt trượt, thay đổi địa chất, nguồn cung cấp vật tư, vật liệu của tỉnh khan hiếm, giá cao hơn so với các địa phương lân cận. Trong khi hệ thống định mức còn thấp, nhiều điểm chưa phù hợp, biện pháp thi công tại hiện trường, giá gói thầu được tính toán sát với thực tế. Khi triển khai, nhiều nhà thầu cầm chắc phải chịu lỗ, không đạt hiệu quả kinh tế nếu không làm chủ được kế hoạch. Chỉ các nhà thầu có nhiều kinh nghiệm thi công tại địa hình miền núi, có biện pháp tổ chức thi công hợp lý mới có thể có lãi.

Do vậy, trong quá trình mời thầu, các gói thầu không thu hút được nhiều nhà thầu. Giá dự toán được đăng tải công khai, minh bạch trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo quy định, các nhà thầu cũng bỏ giá sát với giá dự toán gói thầu dẫn đến tỷ lệ tiết kiệm trong đấu thầu còn thấp.

0cec0a0aa414064a5f05.jpg
Công trình cầu Khuổi Lò, cây cầu cuối cùng trên tuyến thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang (Tuyên Quang) đoạn 37km không thể xong trong tháng 6/2024 như dự kiến do thời tiết khu vực này liên tục có mưa kéo dài.

Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Bắc Kạn, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Hồng Hà cho biết: “Một số hội viên của Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh trong thời gian qua tham gia xây dựng một số dự án giao thông. Tuy nhiên qua thăm nắm, các hội viên doanh nghiệp này đang gặp phải một số khó khăn khi bắt tay vào thực hiện, do đơn giá định mức xây dựng mỗi ki lô mét đường ở Bắc Kạn thấp hơn so với các tỉnh trong khu vực, trong khi điều kiện thi công đường miền núi phát sinh nhiều chi phí không tính toán trước được như xử lý sạt trượt, quãng đường vận chuyển đất đá đến bãi đổ thải xa, phải bỏ chi phí làm đường công vụ mới tiếp cận được vị trí thi công. Biến động giá cả nguyên vật liệu, nhân công trên thị trường rất lớn khiến doanh nghiệp khá đau đầu trong hạch toán làm thế nào để lỗ ít đi chứ chưa tính đến lãi.

Thực tế chỉ những doanh nghiệp có tiềm lực, kinh nghiệm thi công địa hình phức tạp như vậy mới dám làm. Nhiều doanh nghiệp xây lắp trong thời điểm này khá lao đao. Chúng tôi kiến nghị các cơ quan chức năng xem xét lại hệ thống định mức phù hợp với địa hình miền núi để đảm bảo sát với thực tế, tránh thiệt hại cho các doanh nghiệp”.

bc26842ac32c6172383d.jpg
Đồng chí Đinh Quang Tuyên, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo công tác GPMB đoạn 40 km tuyến đường từ Ba Bể kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang.

Bên cạnh những nỗ lực, quyết tâm đưa ra các giải pháp để hoàn thành các dự án, trong quá trình triển khai các dự án giao thông trọng điểm, những tồn tại hạn chế đã được chỉ ra đó là: Đối với những tuyến đường mở mới khi bắt tay vào thi công nhiều vị trí thường xuyên xảy ra sạt trượt, việc điều chỉnh chưa theo kịp thực tế. Công tác quản lý thi công chưa quyết liệt, thiếu chế tài đủ mạnh để xử lý một số nhà thầu chậm tiến độ. Mặc dù Ban đã tiến hành điều chuyển khối lượng của một số nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ nhưng chưa đạt được mục tiêu như mong muốn.

ed9082471459b607ef48.jpg
Biến động giá cả về vật liệu xây dựng, chi phí nhân công đang là bài toán khó cho các doanh nghiệp xây lắp tham gia các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh hiện nay.

Nhận diện các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong tỉnh, trao đổi với phóng viên Báo Bắc Kạn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đinh Quang Tuyên cho biết: “Trong thời gian tới, cập nhật quy định của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính…tỉnh sẽ chỉ đạo các Sở, ngành liên quan xây dựng các định mức, giá nhân công, ca máy phù hợp nhất với các quy định của nhà nước và điều kiện đặc thù của tỉnh. Tăng cường chất lượng công tác thiết kế, để đảm bảo dự toán công trình được tính đúng, tính đủ theo thiết kế xây dựng được duyệt”

Có thể nói, nhìn vào quá trình triển khai các dự án sẽ thấy sự quyết tâm rất lớn để hoàn thành mục tiêu hoàn thiện hạ tầng giao thông của tỉnh Bắc Kạn. Khi kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại sẽ tạo lập được cơ cấu vận tải hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và chuyên nghiệp, tạo “đòn bẩy” và lợi thế cạnh tranh trong phát triển, góp phần thực hiện thành công mục tiêu xây dựng tỉnh Bắc Kạn phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới./.

(Hết)

Xem thêm