Làm thế nào để sản phẩm hàng hoá địa phương vào được siêu thị?

BBK - Hệ thống phân phối hiện đại, các siêu thị, trung tâm thương mại là kênh quan trọng để đưa hàng hóa tới tay người tiêu dùng. Tuy nhiên để các sản phẩm OCOP có chỗ đứng ở kênh này thì doanh nghiệp, HTX phải đáp ứng các yêu cầu khá khắt khe về hồ sơ, thủ tục, chất lượng, số lượng sản phẩm.

Trên thực tế những năm qua, dù các sở, ngành, địa phương đã triển khai nhiều hoạt động kết nối chuỗi sản xuất - tiêu thụ nhưng số lượng các sản phẩm địa phương vào được các kênh bán lẻ, chuỗi siêu thị vẫn ở mức khiêm tốn, giá trị giao dịch các sản phẩm này cũng chưa cao, phần lớn chỉ mang tính quảng bá, giới thiệu sản phẩm… doanh thu chưa đạt ở mức kỳ vọng.

Đưa hàng hoá nông sản vào hệ thống siêu thị bán lẻ là một trong những định hướng chính mà doanh nghiệp, HTX hướng tới.

Đưa hàng hoá nông sản vào hệ thống siêu thị bán lẻ là một trong những định hướng chính mà doanh nghiệp, HTX hướng tới.

Tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ và kết nối giao thương các sản phẩm hàng hóa tỉnh Bắc Kạn vừa được tổ chức cuối tháng 11 vừa qua, bà Nguyễn Thị Mai Phương, Giám đốc thương mại ngành hàng hệ thống siêu thị Go, Big C của tập đoàn bán lẻ Central Retail Việt Nam đã chia sẻ giải pháp để hàng hoá của các địa phương vào được hệ thống bán lẻ siêu thị: Với hệ thống 43 siêu thị trên cả nước, hệ thống của tập đoàn bán lẻ luôn có nhu cầu về hàng hoá sản phẩm chất lượng của các địa phương.

Nhưng để hàng hoá vào được hệ thống của chúng tôi cần phải đảm bảo các bước trong đó trước tiên là duyệt hồ sơ của nhà cung cấp. Thông qua các buổi kết nối, xúc tiến thương mại chúng tôi sẽ chọn ra những nhà cung cấp tiềm năng. Tiếp đó sẽ đi đánh giá thực tế tại nhà cung cấp.

Khách hàng sẽ luôn đặt niềm tin đối với các siêu thị, toàn bộ các khiếu kiện về hàng hoá của khách hàng đều trực tiếp tại siêu thị, vì vậy 100% hàng hoá trên kệ hàng của siêu thị phải đảm bảo chất lượng. Tính minh bạch là sợi dây kết nối trong bối cảnh có quá nhiều hàng nhái, hàng giả trên thị trường. Vì vậy hồ sơ mà nhà cung cấp cần chuẩn bị đầy đủ như giấy đăng ký kinh doanh, thông báo về tài khoản ngân hàng, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, các giấy chứng nhận tiêu chuẩn khác như VietGAP, OCOP, hữu cơ… nhưng phải còn hạn chế, quy cách, mẫu mã sản phẩm, mức giá kỳ vọng...

Bước 2 tiếp tục được thực hiện sau khi hồ sơ được duyệt đó là đàm phán và ký kết hợp đồng, chúng tôi cam kết thanh toán 2 lần/tháng. Chính sách của chúng tôi là ưu tiên đối với các sản phẩm của các hộ nông dân, HTX sản xuất kinh doanh ở các địa phương khi chào hàng; gửi mã, tên nhà cung cấp, code hàng trên hệ thống. Nhà cung cấp phải đầu tư thiết bị máy tính kết nối khi chúng tôi đặt hàng tự động, thường 01 tuần đặt hàng 01 lần hoặc 01 tháng 02 lần. Nhà cung cấp phải cập nhật nhận đơn và lên đơn.

Vấn đề này nhà cung cấp phải kiểm soát đơn thật chặt, nếu để lỡ đơn, khách hàng đến siêu thị mà thiếu sản phẩm là không thể để xảy ra. Vì vậy khi xác định hàng vào hệ thống siêu thị nhà cung cấp phải thực sự sẵn sàng, có nhân công để đảm bảo cung ứng đủ về số lượng, chất lượng kịp thời nhất là ở những dịp siêu thị có chương trình khuyến mại lớn, cuối năm mức tiêu thụ tăng cao. Tính liên tục đặc biệt quan trọng trong vận hành tại hệ thống siêu thị.

Các sản phẩm nông sản của Bắc Kạn rất phong phú, đa dạng

Các sản phẩm nông sản của Bắc Kạn rất phong phú, đa dạng

Hiện nay chúng tôi đang kết nối với HTX Nhung Lũy (Ba Bể) để đưa mặt hàng bí xanh thơm vào hệ thống siêu thị. Đây là sản phẩm chúng tôi đánh giá chất lượng rất tốt được khách hàng yêu thích, tuy nhiên Bắc Kạn cũng đang gặp phải khó khăn về vấn đề thời vụ và sản lượng đảm bảo liên tục số lượng lớn. Một trong những vấn đề cần chú ý đó là giao hàng. Đối với mặt hàng tươi sống, rau củ quả, trái cây, thịt cá thực phẩm chúng tôi yêu cầu nhà cung cấp giao trực tiếp tại siêu thị mới đảm bảo chất lượng tốt nhất và hàng hoá phải giao toàn bộ ở các siêu thị trên toàn quốc không thể lựa chọn nơi xa hay gần.

Vì vậy với những địa điểm xa nhà cung cấp thì phải quan tâm đặc biệt đến khâu đóng gói, bảo quản, chắc chắn sản phẩm đến tay người tiêu dùng phải mới, chất lượng. Ngoài ra hàng vào hệ thống siêu thị phải chia ra đóng gói với kích thước, trọng lượng, bởi siêu thị có các đối tượng khách hàng khác nhau, có hộ đông người, hộ ít người trong một gia đình, không thể đóng gói cùng một kích thước, trọng lượng.

Bắc Kạn là tỉnh không có quá nhiều sản phẩm nông sản vào siêu thị như các tỉnh khác, nhưng sản phẩm chất lượng tốt, ấn tượng về bao gói và nhận diện. Tỉnh đang khai thác sản phẩm có tính chuyên sâu, điều kiện thuận lợi để sản phẩm thẳng tiến vào siêu thị. Để tiếp cận với khách hàng yếu tố đầu tiên là phải là bao gói, bao gói có bắt mắt hay không khách hàng mới để ý tới, sau đó mới chú ý đến chất lượng sản phẩm. Bao gói làm sao phải thể hiện rõ đặc trưng của sản phẩm. Ví dụ thể hiện chất lượng tốt thì nên để thông tin sản phẩm “3 không” chẳng hạn ở một vị trí dễ quan sát nhất trên sản phẩm. Chỉ dùng một số từ rất ngắn để khách hàng đọc lướt qua đã bắt mắt, khơi gợi sự tò mò, tìm hiểu mua sản phẩm.

Theo bà Mai Phương, các doanh nghiệp, HTX của Bắc Kạn nên mạnh dạn không ngại ngần hợp tác với các hệ thống siêu thị, chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX đưa các sản phẩm của Bắc Kạn vào hệ thống, tạo mối liên kết làm ăn bền vững, hiệu quả, thúc đẩy sản xuất kinh doanh đôi bên cùng có lợi./.

Xem thêm