Mai Lạp là một trong những xã vùng sâu vùng xa của huyện Chợ Mới, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, nền kinh tế chủ yếu là sản xuất nông, lâm nghiệp. Để tập trung phát triển kinh tế, giảm nghèo, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XV nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp là thế mạnh, tạo đòn bẩy để ổn định cuộc sống và nâng cao thu nhập cho người dân.
Người dân xã Mai Lạp trồng bí xanh xuống ruộng mang lại hiệu quả kinh tế cao. |
Đồng chí Nông Thế Bích- Chủ tịch UBND xã cho biết: Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng có vai trò quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, hằng năm, cấp ủy, chính quyền xã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo Nhân dân phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao. Xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của Nhân dân về vai trò, ý nghĩa của việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng; xây dựng những mô hình mới và chủ động đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Với chủ trương hợp lý cùng cách làm hiệu quả, xã đã có những chuyển biến tích cực trong thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao đời sống của Nhân dân và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Năm 2021, các chỉ tiêu về sản xuất nông, lâm nghiệp của xã cơ bản đạt và vượt kế hoạch giao. Trong đó, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 918 tấn; cây rau đạt 212 tấn, cây lạc đạt hơn 07 tấn, đậu đỗ hơn 06 tấn… Xã đã thực hiện các mô hình 100 triệu đồng/ha như trồng cây dưa chuột nếp 0,8ha; trồng bí xanh xuống ruộng 2,8ha, sản lượng đạt hơn 70 tấn, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con. Các loại cây thế mạnh của địa phương có giá trị kinh tế cao như: Cam, quýt, chuối, hồng, mơ… cũng được địa phương quan tâm mở rộng diện tích. Riêng đối với cây cam, quýt hiện toàn xã có khoảng 90ha, trong đó 45ha đang cho thu hoạch, hằng năm sản lượng đạt hàng trăm tấn. Từ việc trồng cam, quýt, nhiều hộ dân có thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, điển hình như gia đình anh Hà Văn Chiến ở thôn Khau Tổng; Lường Thị Thương, Lý Thị Thiệm ở thôn Khau Ràng...
Trồng rừng cũng là hướng phát triển kinh tế hiệu quả của Mai Lạp, hằng năm xã đều thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra. Riêng năm 2021, xã trồng cây phân tán được 43,3ha/4ha; trồng rừng sau khai thác (dân tự trồng) được 143ha, đạt 119% kế hoạch. Từ việc tuyên truyền, khuyến khích người dân phát triển kinh tế rừng, đến nay nhiều hộ đã chú trọng đầu tư trồng hàng chục héc-ta rừng keo, mỡ, trồng cây đặc sản như quế, hồi… Qua đó, không chỉ góp phần nâng tỷ lệ che phủ rừng mà còn nâng cao đời sống người dân trên địa bàn.
Cùng với đó, Mai Lạp còn có thế mạnh về phát triển nuôi thủy sản từ các ao, hồ, ruộng. Đến nay xã có 12ha diện tích mặt nước nuôi thủy sản, năng suất đạt 19,7 tạ/ha, sản lượng hằng năm ước đạt trên 23 tấn. Nhờ việc đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp hàng hóa đã góp phần tích cực giảm tỷ lệ hộ nghèo, tăng thu nhập cho người dân. Nếu như năm 2015 thu nhập bình quân của xã chỉ đạt 12 triệu đồng/người/năm thì đến nay đạt trên 20 triệu đồng/người/năm; tỷ hộ nghèo từ trên 29% đến nay còn 23,45% (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020).
Người dân thôn Khau Ràng tích cực cải tạo, chăm sóc vườn cây ăn quả. |
Có thể nói, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là hướng đi đúng và từng bước mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân xã Mai Lạp. Đây là tiền đề để địa phương phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, hình thành chuỗi giá trị sản xuất, tiêu thụ nông sản, giúp người dân cải thiện thu nhập, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Thời gian tới, chính quyền xã Mai Lạp tiếp tục tuyên truyền, vận động Nhân dân phát huy thế mạnh trong sản xuất nông, lâm nghiệp, đưa nhiều mô hình mới có hiệu quả kinh tế cao vào sản xuất, nhằm nâng cao giá trị kinh tế trên một diện tích đất canh tác, góp phần nâng cao thu nhập cho Nhân dân./.
Lý Dũng