Mô hình quỹ tín dụng vi mô dành cho người nghiện và sau cai nghiện

Quỹ tín dụng vi mô dành cho người nghiện ma tuý, người sau cai thuộc Dự án Haarp, do Cục Phòng chống tệ nạn xã hội- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai tại Bắc Kạn từ đầu năm 2013. Sau 1 năm hoạt động, mô hình đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận.

Quỹ tín dụng vi mô dành cho người nghiện ma tuý, người sau cai thuộc Dự án Haarp, do Cục Phòng chống tệ nạn xã hội- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai tại Bắc Kạn từ đầu năm 2013. Sau 1 năm hoạt động, mô hình đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận.

Bắc Kạn, Hoà Bình và Tuyên Quang là ba tỉnh được triển khai mô hình Quỹ tín dụng vi mô. Mục đích của quỹ này nhằm giúp người nghiện ma tuý, người sau cai và gia đình họ có vốn để sinh kế, ổn định thu nhập, tự chủ được cuộc sống của mình và không bị rơi vào ngưỡng của đói nghèo. Bên cạnh vay vốn, mô hình còn tổ chức các cuộc sinh hoạt nhóm, giúp các đối tượng được tiếp cận, tham gia chương trình can thiệp giảm tác hại của ma túy, dự phòng lây nhiễm HIV, bình đẳng tái hoà nhập cộng đồng.

Quỹ tín dụng vi mô dành cho người nghiện ma tuý, người sau cai thuộc Dự án Haarp, do Cục Phòng chống tệ nạn xã hội- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai tại Bắc Kạn từ đầu năm 2013. Sau 1 năm hoạt động, mô hình đã đem lại những kết quả đáng ghi nhận.

Mô hình rửa xe tại phường Đức Xuân (thị xã Bắc Kạn) sử dụng vốn vay từ Quỹ tín dụng vi mô

Nguồn vốn của mô hình Quỹ tín dụng vi mô tại Bắc Kạn là 540 triệu đồng, được triển khai tại thị xã Bắc Kạn và huyện Chợ Mới. Có 54 đối tượng được tham gia vay vốn với mức 10 triệu đồng/người, thời hạn vay 01 năm, lãi suất 0,65%/tháng. Thực hiện dự án này, các huyện, thị xã và các xã tham gia mô hình đã thành lập Ban quản lý quỹ tín dụng với sự tham gia của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện chính quyền và tuyên truyền viên đồng đẳng. Theo đánh giá của Phòng Phòng, chống tệ nạn xã hội (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội), sau 1 năm triển khai, cơ bản các hộ vay vốn đều sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Hiện các địa phương đang hoàn tất công tác thu hồi vốn vay.

Tại xã Nông Hạ (Chợ Mới), thông qua nhóm Tự lực hy vọng, tất cả người nghiện và sau cai nghiện trên địa bàn đã được giới thiệu về mô hình Quỹ tín dụng vi mô. Sau khi xét duyệt, 6 người có nhu cầu về vay vốn đã được tham gia dự án. Thông qua các buổi sinh hoạt, thành viên trong nhóm đã chia sẻ kinh nghiệm, khó khăn thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh, chăn nuôi, trồng trọt. Đồng thời họ cũng được tuyên truyền về cách phòng chống ma tuý, phòng chống HIV/AIDS; hướng dẫn gia đình và cộng đồng các nội dung về không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nghiện, người sau cai nghiện và người nhiễm HIV. Qua 1 năm tham gia mô hình, đã xuất hiện một số gương điển hình sử dụng vốn hiệu quả. Tiêu biểu như hộ anh Vũ Đình Nền, dùng tiền vay để mua máy móc phục vụ xưởng mộc, tạo việc làm và thu nhập cho một số người nghiện trong nhóm. Các thành viên khác trong nhóm vay vốn của Nông Hạ sử dụng vốn vay để đầu tư chăn nuôi lợn thịt, lợn nái, tạo việc làm và thu nhập cho gia đình. Tại tổ 6 thị trấn Chợ Mới cũng có các điển hình sử dụng vốn vay hiệu quả như anh Nguyễn Văn Kiên (sản xuất đồ gỗ), anh Trần Văn Vân (chăn nuôi)...

Có thể nói, quỹ tín dụng vi mô là một trong những mô hình đầu tiên hướng tới đối tượng người nghiện, sau cai nghiện tại Bắc Kạn. Mô hình thể hiện sự quan tâm của xã hội đối với người nghiện, sau cai nghiện và người nhiễm HIV. Từ đó góp phần giảm bớt khó khăn, động viên, khích lệ họ sống có ích và tích cực lao động. Theo đánh giá, hiện nhu cầu vay vốn của nhóm đối tượng nêu trên tại các địa phương là rất lớn. Ngành Lao động cũng như hai địa phương tham gia dự án và người dân đều mong muốn rằng, sau khi thu hồi, nguồn vốn sẽ được tiếp tục cho vay quay vòng. Bởi với thời hạn vay 1 năm, nhiều gia đình đầu tư chăn nuôi, trồng rừng chưa đến kỳ thu hoạch dẫn đến nguồn vốn chưa phát huy hết hiệu quả xoá đói, giảm nghèo./.

Đăng Bách

Xem thêm