Người cao tuổi nêu gương sáng trong phát triển kinh tế

BBK - Khi dân số càng già hóa, việc tạo điều kiện cho người cao tuổi tiếp tục làm việc, vừa phát huy kinh nghiệm, chất xám, vừa góp phần đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội tại địa phương là nhiệm vụ đặt ra. 

Đã 71 tuổi, con cái, cuộc sống gia đình ổn định... nhưng hằng ngày bà Hà Thị Lý ở thôn Nà Lẹng, xã Quang Thuận (Bạch Thông) vẫn đi bộ khoảng 3km để vào lán trại phát triển kinh tế. Với bà Lý, còn sức khỏe thì còn lao động. Công việc trồng ngô, vun ngô, cắt tỉa, chăm sóc hơn 100 cây nhãn, hái rau đi bán hay chăm sóc đàn gà… đã trở thành quen thuộc giúp bà có sức khỏe. Bà Lý chia sẻ: Mô hình phát triển kinh tế của gia đình đã được xây dựng từ lâu, dù sức khỏe cũng đã giảm, con cái không cho làm nhưng lao động quen tay, có thu nhập cũng giúp giảm gánh nặng cho con cái.

01.jpg
Dù hơn 70 tuổi nhưng bà Lý vẫn tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình.

Xây dựng cơ sở sản xuất gạch không nung hơn chục năm nay, gia đình ông Đào Xuân Độ, tổ 1, phường Xuất Hóa (thành phố Bắc Kạn) tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho 6 -7 lao động. Không may năm 2014, ông Độ bị tai biến. Hiện dù sức khỏe bị suy giảm so với trước nhưng ông vẫn tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình. Năm 2023, ông Độ vinh dự được UBND thành phố Bắc Kạn tặng Giấy khen người cao tuổi có thành tích xuất sắc trong phát triển kinh tế.

Ông Độ chia sẻ: Bản thân là trụ cột gia đình, còn sức khỏe thì cần nỗ lực vươn lên. Phát triển kinh tế không chỉ tăng thu nhập cho gia đình mà còn tạo được việc làm, thu nhập cho người khác. Ngoài ra, việc chấp hành chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước là rất cần thiết, vì vậy gia đình tích cực hưởng ứng mọi phong trào ở địa phương như đóng góp tiền làm đường giao thông, từ thiện, các phong trào thi đua.

98.jpg
Xưởng sản xuất gạch không nung của gia đình ông Độ tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 34.536 hội viên, trong đó có hơn 20.000 người cao tuổi trực tiếp tham gia lao động sản xuất. Năm 2023, toàn tỉnh có 892 người cao tuổi đạt danh hiệu làm kinh tế giỏi các cấp (tăng gấp 1,5 lần so với năm 2017). Với tầm nhìn xa trông rộng, tích luỹ nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và đời sống, người cao tuổi tự lực vươn lên làm thay đổi hoàn cảnh của gia đình và góp sức thay đổi diện mạo quê hương, xứng đáng với câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Người cao tuổi là của quý vô giá của dân tộc, của Nhà nước”.

Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, các cấp hội người cao tuổi trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua “Tuổi cao - Gương sáng” với những nội dung thiết thực, cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương. Tuyên truyền, nhân rộng những tấm gương người cao tuổi tiêu biểu; những mô hình kinh tế hiệu quả để tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, khẳng định vai trò của người cao tuổi đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bà Đinh Thị Sơn, Trưởng ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Bắc Kạn.

Thực hiện Chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi giai đoạn 2021 – 2030, giai đoạn 2022 – 2025, UBND tỉnh Bắc Kạn đặt ra những mục tiêu cụ thể như:

Có ít nhất 10% người cao tuổi có nhu cầu và khả năng lao động có việc làm. Ít nhất 100 người cao tuổi được hỗ trợ hướng nghiệp, đào tạo chuyển đổi nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở trợ giúp xã hội, trung tâm dịch vụ việc làm. Ít nhất 100 hộ gia đình có người cao tuổi có nhu cầu và đủ điều kiện được vay vốn khởi nghiệp, phát triển sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi. Có ít nhất 50% số xã, phường, thị trấn có câu lạc bộ liên thế hệ tự giúp nhau hoặc các mô hình câu lạc bộ khác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi, thu hút ít nhất 50% người cao tuổi trên địa bàn tham gia.../.

Xem thêm