Tuy nhiên, nếu điều trị theo đúng phương pháp khoa học tại các cơ sở y tế; tuân thủ sự hướng dẫn của bác sĩ, người bệnh có thể khỏi hoặc ổn định và sống hòa nhập trong cộng đồng.
Nơi tiếp đón, thăm khám bệnh nhân tâm thần kinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trầm cảm là căn bệnh phổ biến, chiếm khoảng 3% đến 5% dân số có rối loạn trầm cảm rõ rệt, là căn bệnh thứ 02 gây hại đến sức khoẻ con người, chỉ sau bệnh lý tim mạch. Nếu phát hiện và điều trị bệnh sớm sẽ giúp hạn chế những hệ lụy không mong muốn.
Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tỷ lệ người mắc bệnh trầm cảm tăng nhanh qua các năm. Nguyên nhân chủ yếu là do áp lực cuộc sống, công việc, gia đình gây ảnh hưởng đến tâm lý. Các biểu hiện bệnh trầm cảm thường gặp là trạng thái buồn rầu chán nản, không còn hứng thú gì trong cuộc sống, mất ngủ, đau đầu, mệt mỏi, tiêu cực mặc cảm thua kém và có thể dẫn tới tự sát.
Tại tỉnh Bắc Kạn, hiện có 269 bệnh nhân trầm cảm đang được quản lý, điều trị. Gần đây, trên địa bàn tỉnh xảy ra vụ tự tử do trầm cảm. Do vậy, người dân cần phát hiện sớm những dấu hiệu cảnh báo của bệnh trầm cảm để đưa người bệnh trầm cảm đi điều trị kịp thời.
Chia sẻ những dấu hiệu của bệnh trầm cảm, bác sĩ Chuyên khoa I Nguyễn Đình Viện, Trưởng khoa Tâm thần kinh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn cho biết: Dấu hiệu sớm của người mắc bệnh trầm cảm, tâm thần là có thể mắc hội chứng suy nhược như rối loạn giấc ngủ, ăn không ngon, mệt mỏi, mất quan tâm thích thú; cách ly với xã hội, bạn bè, giảm giao tiếp, thời gian ở trong phòng một mình nhiều hơn; suy giảm hiệu suất làm việc và học tập; thay đổi về hành vi, có thể suốt ngày nằm trên giường, có người trở nên ít ở nhà hay đi lang thang; cảm xúc thờ ơ; những ý nghĩ kỳ lạ cho rằng mình ở thế giới khác về, mình là "người cõi trên"; cho rằng thức ăn có độc, có ai đó muốn hại mình; có người vui vẻ quá mức, múa hát, làm huyên náo, có người bồn chồn đứng ngồi không yên, đập phá…
Bệnh trầm cảm, tâm thần cũng như các bệnh khác nếu có kiến thức và phát hiện sớm về bệnh có thể phòng ngừa được. Đối với những người bị thất vọng, bị đau khổ cần có thái độ quan tâm, an ủi, động viên đối xử đúng mức giúp họ tìm lối thoát trở lại trạng thái bình thường. Đối với bệnh tâm thần chưa rõ nguyên nhân, cần điều trị kịp thời đề phòng biến chứng và tiến triển mạn tính. Đối với bệnh tâm thần mạn tính cần tích cực điều trị, uống thuốc đúng liều, thời gian, phục hồi chức năng và quản lý theo dõi, chăm sức khỏe đặc biệt.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Đình Viện, bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm khi vào viện sẽ được các bác sĩ đưa ra 5 phương pháp và chỉ định chăm sóc, đó là: Tâm lý trị liệu; hành vi nhận thức; phát triển sự tự tin; trị liệu giữa các cá nhân và y học bổ sung.
Trầm cảm có thể gây ra rất nhiều hậu quả khôn lường. Vì thế, khi phát hiện một người có các triệu chứng nghi ngờ trầm cảm, người nhà không nên xem nhẹ hay bỏ mặc, mà cần đưa đến các cơ sở y tế để được khám, tư vấn đánh giá mức độ trầm cảm cũng như đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.../.
Lý Dũng-Việt Bắc