Theo ông Dương Bằng Giang, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã được tập trung triển khai đồng bộ ngay từ đầu giai đoạn. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được triển khai đầy đủ, kịp thời, giúp người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo có cơ hội từng bước vươn lên, ổn định đời sống. Tính từ đầu giai đoạn, bình quân mỗi năm số hộ nghèo đa chiều của tỉnh giảm 2,71%, đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Để đạt được kết quả đó, các địa phương đều có nhiều nỗ lực trong tổ chức thực hiện. Các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, nhất là chính sách tín dụng ưu đãi, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất tạo sinh kế bền vững cho người dân và hoạt động đào tạo nghề... được chú trọng triển khai. Nguồn lực nhà nước và xã hội hóa góp phần hỗ trợ hộ nghèo giải quyết nhu cầu cấp thiết về nhà ở để ổn định cuộc sống đã có tác động tích cực, từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, giúp họ tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, từ đó có điều kiện vươn lên thoát nghèo.
Cụ thể như tại huyện Na Rì, theo ông Nông Quang Kế, Phó Chủ tịch UBND huyện, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo, UBND huyện chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức rà soát, phân tích nguyên nhân dẫn đến nghèo để tham mưu biện pháp hỗ trợ phù hợp; xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giảm nghèo cụ thể hằng năm. Với sự nỗ lực chung và cách làm phù hợp, Na Rì đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác giảm nghèo. Cụ thể, kết thúc năm 2023, toàn huyện giảm 3,91% hộ nghèo, đạt 111,7% chỉ tiêu kế hoạch.
Trên phạm vi toàn tỉnh, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung, công tác giảm nghèo và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững nói riêng. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thì số hộ nghèo đa chiều đầu kỳ là hơn 22.300 hộ, chiếm tỷ lệ 27,3%, đến cuối năm 2023 là hơn 18.000 hộ, chiếm tỷ lệ 21,9% (năm 2022 giảm 2,6%; năm 2023 giảm 2,7%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số đầu kỳ là 30,5%, đến cuối năm 2023 là 24,4% (năm 2022 giảm 2,6%, năm 2023 giảm 3,4%), bình quân mỗi năm giảm 3%.
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác giảm nghèo vẫn còn một số khó khăn, thách thức, như: Tiến độ thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững còn chậm, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn còn thấp, tỷ lệ giảm nghèo ở các huyện nghèo chưa đạt yêu cầu đề ra (năm 2022 giảm 3,4%, năm 2023 giảm được 3,3%, trong khi mục tiêu đề ra mỗi năm giảm từ 4% đến 5%); tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn ở mức cao; nhận thức của một số hộ nghèo còn hạn chế, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Trong khi đó, thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra làm tăng nguy cơ tái nghèo và phát sinh thêm hộ nghèo.
Vì thế, để việc tổ chức thực hiện đạt hiệu quả, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền về công tác giảm nghèo bền vững, nêu cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện công tác giảm nghèo. Tập trung triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ giảm nghèo và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhất là việc hỗ trợ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; hỗ trợ hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản (y tế, giáo dục, nhà ở, việc làm, nước sạch và vệ sinh, thông tin...).
Ông Dương Bằng Giang, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết thêm: Năm 2024, tỉnh Bắc Kạn đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ bình quân từ 2% đến 2,5% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025. Từ kết quả và những hạn chế đã được chỉ ra, cùng với tập trung tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự thống nhất trong triển khai công tác giảm nghèo, cần thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, phát huy nội lực vươn lên thoát nghèo bền vững. Kịp thời khắc phục những hạn chế và nhân rộng các cách làm hay, mô hình hiệu quả trong thực hiện công tác giảm nghèo nói chung và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững nói riêng.
Bên cạnh đó, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo, phân bổ nguồn lực công khai, minh bạch, tập trung theo thứ tự ưu tiên, tránh đầu tư dàn trải; lồng ghép với các chương trình, dự án khác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở các huyện nghèo. Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp. Tăng cường công tác kiểm tra và giám sát, đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện.../.