Nếu như trước đây, bà con nông dân huyện Bạch Thông chưa quan tâm đầu tư nuôi thủy sản, thì hiện nay nuôi cá ao đang là hướng phát triển kinh tế đem lại hiệu quả, được địa phương định hướng phát triển theo hướng hàng hóa.
Ông Lý Đức Tường ở thôn Nà Tu, xã Cẩm Giàng với diện tích ao nuôi cá rô phi, dự kiến sẽ cho khai thác vào thời điểm Tết Nguyên đán. |
Cẩm Giàng là một trong những xã có diện tích tích nuôi thủy sản tăng nhanh trong mấy năm gần đây, diện tích mặt ao toàn xã hiện có khoảng 12ha. Nhiều hộ đã chuyển đổi từ đất ruộng, đất vườn thành ao để phát triển kinh tế.
Điển hình trong việc chuyển đất ruộng sang làm ao nuôi cá trong khoảng 2 năm nay, ông Lý Đức Tường ở thôn Nà Tu chia sẻ: “Trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch ngày càng lớn, từ năm 2019 khi xã có Dự án phát triển sản xuất hỗ trợ về con giống, tôi đã đăng ký thực hiện. Ban đầu chỉ nuôi khoảng 1.000m2 diện tích mặt nước nhưng đến nay đã mở rộng lên 2.000m2 nuôi các loại cá trắm, rô... để phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng. Tôi xác định đây là hướng đi phù hợp với điều kiện của gia đình hiện nay”.
Tính đến nay, ông Tường đã bán ra khoảng 5 tạ cá, thu về hơn 20 triệu đồng. Số tiền này ông sử dụng để tái sản xuất như: Mua thức ăn, con giống mới… Theo ông Tường, nuôi cá khá nhàn, không tốn nhân lực, chi phí đầu tư thấp, rủi ro ít, thức ăn chính kết hợp cám với thức ăn tự nhiên nên chỉ trong vòng nửa năm đến hơn năm là có thể thu hoạch tùy từng loại giống.
Bà Nông Thị Lan, cán bộ Nông lâm xã Cẩm Giàng cho hay: “Nhu cầu nuôi cá tại địa phương là rất lớn, năm 2020 khi triển khai Dự án nuôi cá nước ngọt, toàn xã đã đăng ký lên tới 10ha, trong khi đó chính sách chỉ hỗ trợ được khoảng 1ha. Mặc dù vậy, các hộ vẫn tự bỏ tiền ra đầu tư nuôi cá, đến nay đã có một số hộ có thu nhập như: hộ ông Phan Văn Thiện ở thôn Ba Phường, hộ Hà Văn Phương ở Nà Tu...”.
Chị Nông Thị Cười ở thôn Nà Lốc, xã Nguyên Phúc trước đây là hộ khó khăn về kinh tế nhưng nhờ nghề chăn nuôi thủy sản mà mỗi năm có thêm nguồn thu nhập đáng kể. Năm 2010 gia đình chị đã chuyển đổi đất ruộng kém hiệu quả thành ao nuôi cá, lựa chọn các loại cá có sức đề kháng cao, phù hợp với thị trường, dễ bán. Đến nay, diện tích ao được mở rộng lên 5.000m2, bình quân mỗi năm bán ra gần 1 tấn cá các loại. Chị Cười chia sẻ: “Nuôi cá là nghề phụ vì thời gian cho thu hoạch 1 lứa cá rất lâu, mất khoảng 2 năm trở lên nếu nuôi tự nhiên. Để có cá bán ra thị trường thường xuyên, tôi chọn hình thức nuôi gối. Nghề chăn nuôi cá nước ngọt có những ưu điểm là nhàn, chi phí đầu tư thấp, ít rủi ro, đầu ra không quá khó khăn”. Điều mà chị mong muốn là thời gian tới địa phương sẽ tổ chức các lớp tập huấn khoa học - kỹ thuật về hướng dẫn chăn nuôi cá để các hộ được trang bị kiến thức chăm sóc, phòng bệnh cho cá, từ đó áp dụng vào quá trình chăn nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất .
Hiện nay, trên địa bàn huyện Bạch Thông có hơn 140ha ao nuôi thủy sản, sản lượng khai thác khoảng 200 tấn/năm. Các xã có diện tích mặt ao lớn như: Cẩm Giàng, Quân Hà, Lục Bình, Tân Tú, Nguyên Phúc, Phương Linh, Vi Hương. Đây là những địa phương có điều kiện thuận lợi về nguồn nước và giao thương. Nhận thấy phát triển nuôi thủy sản là thế mạnh, từ năm 2019 đến nay, thông qua Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, huyện Bạch Thông đã triển khai các mô hình nuôi cá nước ngọt theo chuỗi liên kết. Diện tích mặt ao tăng lên, người dân thay đổi tư duy trong sản xuất, lựa chọn các hình thức phát triển kinh tế phù hợp, góp phần giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập. Tuy nhiên, theo lãnh đạo địa phương, mặc dù nghề nuôi thủy sản được khuyến khích nhưng quy mô vẫn còn nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm chưa cao, đầu ra đôi lúc bấp bênh, sản lượng sẽ khó đáp ứng nếu các nhà đầu tư liên kết, bao tiêu.
Với định hướng khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển thủy sản, huyện Bạch Thông đang khuyến khích người dân cải tạo, mở rộng diện tích ao nuôi hộ gia đình, đẩy mạnh tập huấn, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đưa nghề chăn nuôi cá trở thành một trong những nghề mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho bà con nông dân trên địa bàn./.
Thu Trang