Những năm qua, huyện Pác Nặm đã đạt được nhiều thành quả trong công tác xóa đói, giảm nghèo. Không chỉ tạo điều kiện về vốn vay, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, huyện còn trực tiếp hỗ trợ cây trồng, vật nuôi để người dân có điều kiện phát triển kinh tế.
Cán bộ xã Nghiên Loan kiểm tra cây hồng không hạt đã hỗ trợ cho người dân. |
Vụ xuân năm 2011, huyện Pác Nặm thực hiện 5 ha mô hình gieo sạ hàng tại xã Giáo Hiệu. Được sự trợ giúp về giống, phân bón, kỹ thuật 32 hộ dân các thôn Nà Muồng, Nà Mỵ, Nà Hin thực hiện mô hình có được mùa bội thu với năng suất đạt từ 55 – 81 tạ/ha. Phát huy thành quả đạt được, vụ xuân năm 2012, diện tích gieo sạ hàng của huyện Pác Nặm được mở rộng gần 20 ha. Trong niềm vui được mùa chung của toàn huyện thì những hộ thực hiện phương pháp sạ hàng phấn khởi hơn vì lúa cho năng suất cao. Gieo sạ hàng đã thực sự tạo ra sự khác biệt trong tiến trình nâng cao năng suất, sản lượng cho người dân vùng cao Pác Nặm.
Cũng trong năm 2011, cây dong riềng được trồng thử nghiệm 1 ha tại xã Giáo Hiệu đã mở ra triển vọng phát triển hàng hóa, giảm nghèo bền vững cho người dân. Nhận thấy giá trị to lớn từ cây dong riềng, năm 2012, huyện Pác Nặm đã sử dụng nguồn ngân sách của địa phương hỗ trợ 100% giống, phân bón cho các hộ dân trồng dong riềng với định mức 500 m2/hộ. Nhờ có sự trợ giúp đắc lực này diện tích cây dong riềng của huyện đã tăng lên 103 ha. Hiện tại, huyện Pác Nặm đang phối hợp tích cực với những bên có liên quan để tìm đầu ra ổn định cho cây dong riềng.
Cùng với dong riềng, một giống cây trồng khác cũng có nhiều triển vọng trong xóa đói, giảm nghèo cho người dân là cây khoai môn. Sau vụ trồng thử nghiệm đầu tiên cho thấy, khoai môn hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng của Pác Nặm nên cho năng suất cao, chất lượng củ ngon. Toàn bộ số củ khoai môn với diện tích 1 ha trồng năm 2011 được tiêu thụ một cách dễ dàng, hiệu quả kinh tế cao gấp 2 – 3 lần so với trồng ngô. Vì thế, năm 2012, khoai môn đã được nhân rộng hầu khắp các địa phương trong huyện với diện tích gần 24 ha.
Xác định kinh tế rừng là hướng đi mũi nhọn trong công tác giảm nghèo, huyện Pác Nặm đã thực hiện nhiều biện pháp giúp người dân mở rộng diện tích trồng rừng. 3 năm qua, trung bình mỗi năm huyện Pác Nặm trồng mới được khoảng 1.400 ha rừng. Để người dân yên tâm gắn bó với rừng, huyện Pác Nặm đã sử dụng nhiều nguồn lực khác nhau hỗ trợ người dân làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Riêng nguồn vốn Chương trình 30a đã thực hiện mục tiêu giao đất, giao rừng được 2.414 ha khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên và 3.391 ha thuộc diện giao khoán bảo vệ.
Bên cạnh những cây trồng mũi nhọn, người dân Pác Nặm còn được hỗ trợ nhiều giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế khác như: cây gừng, nghệ, trồng nấm, hồng không hạt, cỏ stylo, trâu, bò, lợn đen… Phần lớn giống cây trồng, vật nuôi này đều được huyện Pác Nặm sử dụng nguồn vốn Chương trình 135, Chương trình 30a và Dự án 3PAD. Trung bình mỗi năm từ các nguồn vốn này, các địa phương có khoảng 300 – 400 triệu đồng dùng để hỗ trợ cây, con giống cho người dân. Trong 3 năm, nguồn vốn Chương trình 30a đã hỗ trợ trực tiếp 848 con trâu, bò cho các hộ dân. Năm 2012, sẽ có khoảng 4 tỷ đồng thuộc chương trình này được huyện Pác Nặm sử dụng để hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, phân bón cho người dân. Đây thực sự là nguồn lực quan trọng giúp nhiều gia đình có điều kiện phát triển kinh tế.
Đồng chí Đặng Văn Nhất – Bí thư Đảng ủy xã Nghiên Loan cho biết: Giúp người dân thoát nghèo là nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền địa phương. Để thực hiện được điều này, những năm qua, chúng tôi đã sử dụng nhiều nguồn lực để trực tiếp hỗ trợ người dân bằng cây trồng, vật nuôi có triển vọng. Năm 2011, từ nguồn Chương trình 30a, xã đã hỗ trợ mua trâu, bò và hồng không hạt cho người dân. Năm 2012, xã sẽ sử dụng đồng thời nguồn Chương trình 30a và Chương trình 135 để hỗ trợ người dân mua nông cụ sản xuất, nuôi gà và trồng mận.
Ngoài các nguồn vốn trên huyện Pác Nặm còn tranh thủ sự hỗ trợ, giúp đỡ của các cấp, ngành chức năng tỉnh để giúp người dân phát triển sản xuất. Hiện tại các mô hình, dự án như: “Ngân hàng bò” của Hội Chữ thập đỏ tỉnh; Chăn nuôi giống lợn địa phương và của đồng bào Mông; Canh tác bền vững trên đất dốc… vẫn đang phát huy hiệu quả trong sản xuất.
Có thể thấy rằng, với chính sách hỗ trợ trực tiếp cây trồng, vật nuôi từ nhiều nguồn lực khác nhau của huyện Pác Nặm đã và đang tạo động lực giúp cho người nghèo nơi đây vươn lên./.
Xuân Nghiệp