Tự kỷ là chứng rối loạn của não bộ, ảnh hưởng đến sự phát triển về trí tuệ, giao tiếp, khả năng tương tác xã hội của con người. Hiện nay số lượng trẻ rối loạn phát triển nói chung và trẻ tự kỷ nói riêng trong cộng đồng khá nhiều, việc can thiệp sớm, đúng phương pháp, không bỏ lỡ “giai đoạn vàng” sẽ đem lại hiệu quả tốt nhất, giúp trẻ có sự phát triển đồng bộ, toàn diện, sớm hoà nhập.
Một giờ học của học sinh mắc chứng tự kỷ tại Trung tâm Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh |
Thạc sĩ tâm lý Bùi Thị Phượng, Giám đốc chuyên môn Trung tâm An Bắc Kạn, một trong những địa chỉ nhận can thiệp sớm cho trẻ tự kỷ tại thành phố Bắc Kạn cho biết: “Được thành lập năm 2019, đến nay Trung tâm tiếp nhận 123 trẻ nhập học và đã có 78 em tốt nghiệp, hoà nhập tại các trường tiểu học”.
Học sinh đến với Trung tâm trước khi can thiệp sẽ được đánh giá sàng lọc, xác định thể rối loạn (tự kỷ ASD), tăng động giảm chú ý (ADHD), chậm phát triển ngôn ngữ, rối loạn ngôn ngữ, chậm phát triển trí tuệ, khó khăn trong học tập (khuyết tật học tập), sau đó sẽ tư vấn phụ huynh lựa chọn hình thức can thiệp phù hợp với trẻ, các cô giáo sẽ lập kế hoạch và mục tiêu can thiệp, lựa chọn phương pháp và học liệu phù hợp như: Sử dụng kết hợp các phương pháp can thiệp ABA (can thiệp quản lý hành vi, hành vi lời nói), đây là phương pháp đã được nghiên cứu có kiểm chứng khoa học ở Mỹ, trị liệu vận động, ngôn ngữ trị liệu, âm nhạc trị liệu… Đồng thời, tập huấn cho phụ huynh các phương pháp và kỹ thuật để hỗ trợ dạy con tại nhà. Theo chị Phượng, giai đoạn tốt nhất để can thiệp cho trẻ tự kỷ là độ tuổi từ 18 đến dưới 36 tháng.
Thực tế, trẻ bị tự kỷ nhẹ thường khó xác định thông qua hành vi. Đa phần các trẻ này có khả năng trí tuệ bình thường hoặc trên mức trung bình, một số ít có năng khiếu trí nhớ chụp hình, trí nhớ máy móc cao nên dễ nhầm tưởng trẻ thông minh. Bên cạnh đó, các bé tự kỷ nhẹ vẫn biết nói, nên rất khó để ba mẹ nhận biết.
Tuy nhiên, một dấu hiệu về giảm khả năng tương tác có thể giúp nhận biết chứng tự kỷ nhẹ của trẻ, đó là trẻ thiếu khả năng kết nối với những trẻ em đồng trang lứa, hay thích chơi một mình hoặc chỉ là chạy vận động theo bạn, nhìn thấy bạn chạy mình cũng chạy. Những trẻ này vẫn có mối quan hệ thân thiết với ba mẹ, anh chị và người thân trong gia đình nhưng thường là bám vào một người theo thứ tự ưu tiên. Ba mẹ thường chỉ nghĩ rằng đó là bản tính của đứa trẻ.
Về ngôn ngữ trẻ vẫn nói được nhưng cách diễn đạt câu nói đơn giản, hỏi trẻ chỉ biết kể lại sự việc sơ sài, nói theo thụ động, đối đáp hội thoại kém, hay nói nhắc lại một vài mẫu câu... Ba mẹ thấy con vẫn quý người thân, vẫn hiểu lời, hiểu mệnh lệnh quen thuộc, vẫn chạy đùa theo bạn nên thường cho là trẻ phát triển bình thường.
Vân, một bạn trẻ ở huyện Ba Bể có con trai năm nay đủ tuổi vào lớp 1, nhưng bị mắc chứng tự kỷ, tăng động, nên không thể đến trường. Cậu bé nhìn bề ngoài rất khôi ngô tuấn tú, nhưng chỉ nói được vài từ đơn gọi ba, mẹ, hay la hét, chỉ chơi một mình, thích các trò chơi trên điện thoại. Vân cảm thấy hối hận vì không cho con đi can thiệp sớm khi còn nhỏ, mặc dù bản thân và gia đình đã nhận ra những điểm khác biệt của con so với các bạn cùng tuổi. Giờ cháu đã bước qua giai đoạn “vàng” nên dù khá tốn kém đưa con đi học ở nhiều trung tâm can thiệp trẻ tự kỷ khác nhau ở Bắc Kạn và Thái Nguyên cả năm trời nhưng sự tiến bộ của con còn chậm.
Mặc dù chưa có con số thống kê chính xác, nhưng số lượng trẻ tự kỷ trên địa bàn tỉnh cũng không phải ít. Tại tỉnh hiện chỉ có 04 địa chỉ dạy và can thiệp trẻ tự kỷ gồm: Trung tâm Giáo dục trẻ em khuyết tật tỉnh; Trung tâm An Bắc Kạn, nhóm trẻ Hy Vọng, nhóm trẻ Ánh Dương với khoảng trên 70 học sinh và một số trẻ học hoà nhập tại các trường tiểu học.
Trên thực tế, nhiều nơi trẻ tự kỷ chưa được phát hiện và can thiệp sớm, nhất là trẻ ở những vùng xa trung tâm, điều kiện khó khăn, thiếu thốn. Nhiều cha mẹ không muốn chấp nhận đứa con mình hết mực yêu thương, kỳ vọng lại mắc chứng tự kỷ. Tuy nhiên, cha mẹ cần quan tâm đến con và sớm phát hiện các biểu hiện không bình thường của con, những hành vi khác lạ để được can thiệp sớm, phương pháp phù hợp mới đem lại hiệu quả tốt nhất cho trẻ./.