Bảo tàng tỉnh Bắc Kạn vừa phối hợp với Viện Khảo cổ học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) tiến hành khảo sát một số hang động nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Ba Bể và đã phát hiện nhiều di vật thể hiện dấu tích, sinh hoạt của người tiền sử.
PGS. TS Trình Năng Chung (Viện Khảo cổ học) khảo sát tại thực địa. |
Cụ thể, tại hang Thẳm Kít đã phát hiện 54 di vật đá gồm các loại hình công cụ: Chặt thô, mũi nhọn, hình bầu dục, chày nghiền, công cụ mảnh tước, rìa lưỡi ngang... Trong số di vật tìm được có một hiện vật rất đặc biệt, đó là một viên cuội mỏng dẹt mà trên mặt có 2 vết lõm, hiện chưa xác định được chức năng, công dụng của di vật. Căn cứ vào kỹ thuật chế tác, loại hình công cụ và địa tầng phát hiện, bước đầu xác định đây là di tích cư trú của người tiền sử, thuộc giai đoạn hậu kỳ đá cũ, cách ngày nay gần 20.000 năm.
Di vật phát hiện tại hang Thẳm Kít. |
Ngoài hang Thẳm Kít, hoạt động khảo sát còn được tiến hành tại một số địa điểm như: Hang Thẳm Myà, động Nả Phòng… và phát hiện gần 100 hiện vật có niên đại từ 2.000 đến 20.000 năm về trước.
Việc phát hiện này đã khẳng định khu vực Vườn Quốc gia Ba Bể nói riêng, tỉnh Bắc Kạn nói chung có vết tích hoạt động, sinh hoạt của người tiền sử. Đây là tiền đề để tỉnh xây dựng thành sản phẩm du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của du khách khi đến tham quan, trải nghiệm tại khu du lịch Ba Bể./.
Hoàng Vũ