Y tế và sức khỏe cộng đồng

Phát hiện sớm, điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường tại trạm y tế

BBK - Những năm gần đây, ngành Y tế Bắc Kạn đã tích cực triển khai, quản lý, mở rộng mô hình quản lý người bệnh tăng huyết áp và đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình tại trạm y tế. 

z5565404031652_d9a0daab8bf5d6a0cdfb94277ec5febb.jpg
Người dân xã Mỹ Phương (Ba Bể) kiểm tra bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường tại Trạm Y tế xã.

Bà Lèng Thị Chiến, hơn 60 tuổi, là giáo viên nghỉ hưu ở xã Cẩm Giàng, (Bạch Thông), bị bệnh tăng huyết áp đã hơn 10 năm nay. Trước đó bà phải đến điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Bạch Thông, nhưng vì lí do công việc và đi lại xa xôi, nên việc khám và điều trị thất thường, đôi lúc không đúng lịch hẹn của y, bác sĩ. Năm 2021, Trạm Y tế xã Cẩm Giàng (Bạch Thông) được chọn để triển khai mô hình điểm, hoạt động quản lý người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình tại trạm. Từ đó đến nay bà Chiến được theo dõi, khám, điều trị thuận lợi hơn, nên bệnh huyết áp cũng được duy trì ổn định.

Bà Chiến chia sẻ: “Hiện nay Trạm Y tế xã Cẩm Giàng đang duy trì, quản lý, cấp thuốc, điều trị đái tháo đường cho bệnh nhân mà không phải lên Trung tâm Y tế Bạch Thông hoặc xuống Bệnh viện Đa khoa tỉnh khám, lấy thuốc nữa".

Để triển khai mô hình này, Trạm Y tế Cẩm Giàng đã phân công cán bộ trạm chịu trách nhiệm từng khu vực, cùng cộng tác viên y tế thôn bản đến từng nhà dân để điều tra nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường. Đến nay mô hình được triển khai đến tất cả các thôn trên toàn xã, qua thăm khám trạm đã phát hiện, quản lý, điều trị hơn 100 người bệnh tăng huyết áp, hơn 30 người bệnh mắc đái tháo đường.

Tăng huyết áp, đái tháo đường là hai yếu tố nguy cơ quan trọng của bệnh tim mạch, nhưng có thể được chẩn đoán và quản lý dễ dàng ở tuyến chăm sóc sức khoẻ ban đầu, giúp ngăn chặn những biến chứng nghiêm trọng và tử vong sớm của bệnh tim mạch. Do đó, việc nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở theo nguyên lý y học gia đình, sẽ giúp người dân được tiếp cận các dịch vụ và điều trị tại trạm y tế xã.

Bác sĩ CKII. Nguyễn Thái Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh: Trong điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường vai trò của người sử dụng thuốc rất quan trọng, theo đơn của y, bác sĩ. Ví dụ uống thuốc tăng huyết áp là phải uống ngay khi dậy buổi sáng, chứ không phải ăn sáng xong hoặc đi tập thể dục về mới uống như vậy sẽ có những nguy cơ xảy ra biến cố về tim mạch. Để phát hiện được sớm người nghi ngờ mắc tăng huyết áp và người có yếu tố nguy cơ mắc đái tháo đường thì mỗi hộ gia đình cần tự sắm một máy đo huyết áp, cân điện tử. Mỗi gia đình có 01 máy đo huyết áp, 01 cân điện tử thì không những phát hiện được sớm nghi ngờ mắc bệnh tăng huyết áp, nguy cơ mắc đái tháo đường mà với những ai đang mắc bệnh còn tự đánh giá được kết quả điều trị tại nhà qua chỉ số huyết áp, BMI (chỉ số khối của cơ thể).

Theo báo cáo của ngành Y tế Bắc Kạn đến nay, tỷ lệ người mắc bệnh tăng huyết áp được phát hiện và điều trị đạt 69%; tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường được phát hiện, quản lý điều trị theo hướng dẫn của cơ quan y tế đạt trên 71,7%. Trong 5 tháng đầu năm 2024, các đơn vị y tế tỉnh đã tổ chức khám sàng lọc những người có yếu tố nguy cơ tăng huyết áp cho hơn 50.000 người, trong đó, phát hiện 541 người mắc mới; thực hiện khám sàng lọc cho gần 24.000 người, có yếu tố nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, phát hiện 230 người mắc mới.

Có thể nói, mô hình quản lý, điều trị người bệnh tăng huyết áp, đái tháo đường theo nguyên lý y học gia đình tại tỉnh Bắc Kạn thời gian qua đã giúp người bệnh dễ dàng tiếp cận dịch vụ ngay tại trạm y tế. Đây chính là việc mà ngành Y tế tỉnh đang tiếp tục triển khai nhằm thực hiện Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới./.

Xem thêm