Phát huy mọi nguồn lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển

BBK - Trước nhu cầu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội, với quyết tâm xây dựng tỉnh Bắc Kạn phát triển nhanh, bền vững, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang chung sức, đồng lòng thực hiện các mục tiêu đề ra.
Phát huy mọi nguồn lực, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển
Một góc thành phố Bắc Kạn hôm nay.

Một góc thành phố Bắc Kạn hôm nay.

Khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh

Bắc Kạn có tiềm năng phát triển nông - lâm nghiệp, du lịch. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, tỉnh đã được đầu tư từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nền kinh tế phát triển vẫn còn chậm, thu nhập và đời sống Nhân dân còn khó khăn. Đến năm 2022, thu ngân sách mới đạt 853 tỷ đồng, thu nhập bình quân đạt 46,3 triệu đồng/người/năm.

Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 của UBND tỉnh đặt ra một số chỉ tiêu quan trọng như: Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 6,5 - 7,0%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 62 triệu đồng; thu ngân sách đến năm 2025 đạt 1.100 tỷ đồng; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2 - 2,5%/năm...

Để thực hiện mục tiêu tỉnh đề ra các giải pháp như: Khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên các chương trình, dự án liên kết, hợp tác giữa các địa phương trong tỉnh và với các địa phương trong vùng; chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với tiềm năng, lợi thế; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển; đẩy mạnh hợp tác công tư.

Theo đó, tỉnh xác định tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu kinh tế với những bước phát triển bền vững, tạo tiền đề phấn đấu đến năm 2030 du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển nông - lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, tạo ra sản phẩm sạch và an toàn đáp ứng nhu cầu thị trường. Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông - lâm sản.

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần đầu tư Govina, Khu Công nghiệp Thanh Bình (Chợ Mới).

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần đầu tư Govina, Khu Công nghiệp Thanh Bình
(Chợ Mới).

Chủ trương lớn kiến tạo động lực

Để khai thác hiệu quả tài nguyên rừng, khoáng sản, du lịch, giúp tỉnh phát triển nhanh và bền vững, thì giao thông phải “đi trước một bước”. Chỉ khi có hạ tầng giao thông thuận lợi, lưu thông nhanh mới có cơ hội mời gọi, thu hút đầu tư. Nhận định rõ điều này, tỉnh Bắc Kạn đã, đang nỗ lực hoàn thiện hệ thống giao thông huyết mạch, giao thông liên vùng, tạo tiền đề phát triển toàn diện.

Hiện tỉnh đang ưu tiên triển khai đầu tư và đề xuất xây dựng các dự án giao thông trọng yếu, gồm: Tuyến đường thành phố Bắc Kạn - hồ Ba Bể kết nối sang Na Hang, Tuyên Quang; đường cao tốc Chợ Mới - Bắc Kạn, tuyến cao tốc Bắc Kạn - Cao Bằng; hoàn thiện tuyến QL3B; tuyến đường trục Đông - Tây (Tuyên Quang - Bắc Kạn - Lạng Sơn) kết nối tuyến cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang - Hà Giang, tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và một số tuyến đường tỉnh, đường huyện khác.

Đồng chí Nguyễn Đăng Bình, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh: “Với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, tỉnh Bắc Kạn đã và đang tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội, trên tinh thần huy động, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, phát huy nội lực, đồng thời huy động tối đa nguồn lực từ bên ngoài.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tập trung tháo gỡ khó khăn, khơi thông nguồn lực để đầu tư đồng bộ, hiện đại hệ thống hạ tầng kỹ thuật, với trọng tâm là hệ thống giao thông kết nối các hành lang kinh tế thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc. Coi đây là giải pháp đột phá nhằm khai phá tiềm năng, lợi thế, thu hút đầu tư ngoài ngân sách vào các lĩnh vực thế mạnh của tỉnh, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương”.

Để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững, UBND tỉnh đang khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch tỉnh được xem là cơ sở để lãnh đạo, chỉ đạo và quản lý toàn diện, thống nhất trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là tiền đề quan trọng để Bắc Kạn thực hiện mục tiêu từ một tỉnh miền núi khó khăn từng bước trở thành địa phương phát triển khá của vùng. Quy hoạch đề ra 4 đột phá chiến lược đối với Bắc Kạn, đó là: Xác định thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch là trọng tâm; hoàn thiện cơ chế, chính sách và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; hoàn thiện hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội; đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và chuyển đổi số.

Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được tăng cường quảng bá, kết nối giao thương.

Sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được tăng cường quảng bá, kết nối giao thương.

Đồng thời, tỉnh cũng chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, xúc tiến đầu tư, tích cực hỗ trợ triển khai có hiệu quả các dự án ngoài ngân sách; đẩy nhanh tiến độ giải ngân và phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, nhất là các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa như hệ thống giao thông và hạ tầng khu, cụm công nghiệp; làm tốt công tác an sinh xã hội, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số…

Những mục tiêu cụ thể với nhóm giải pháp căn cơ, đặc biệt là những quyết sách mang tính kiến tạo là động lực lớn, tạo nền tảng thuận lợi đưa Bắc Kạn sẵn sàng bước vào giai đoạn phát triển nhanh, bền vững./.

Trang Lê

Xem thêm