Phòng trừ sâu bệnh trên cây keo

BBK - Là cây lâm nghiệp chủ lực cho giá trị kinh tế cao, chu kỳ cho khai thác nhanh, thế nhưng nhiều hộ trồng rừng tỉnh Bắc Kạn phản ánh hiện trên cây keo xuất hiện một số sâu bệnh gây hại, dẫn đến giảm năng suất.

keo1.jpg
Những vết nâu, đen trong ruột cây keo là biểu hiện của cây bị bệnh.

Chị Ma Thị Thập ở thôn Nà Chào, xã Như Cố (huyện Chợ Mới) vừa khai thác đồi keo 5 năm tuổi thu về hơn 200 triệu đồng. Sau thu hoạch, chị trồng lứa mới, thế nhưng sau 2 năm cây xuất hiện các loại bệnh như đục thân, thối thân. Không có cách nào khác, chị đành chặt bỏ những cây có biểu hiện bệnh để trồng thay thế bằng cây mới.

Anh Hà Quảng Khuyến, thôn Nà Cà 2, xã Cao Kỳ (huyện Chợ Mới) cứ trồng keo đủ 7 năm tuổi là khai thác. Theo anh lý giải thì cây để quá lâu dễ bị mối xông làm hỏng, rỗng ruột dẫn đến chất lượng gỗ thấp.

Hiện nay, đối với tỉnh Bắc Kạn, diện tích keo lên đến hơn 27.000ha, chỉ sau diện tích cây mỡ. Keo trồng hầu hết ở các địa phương, trong đó huyện Chợ Mới có hơn 14.000ha, Chợ Đồn hơn 3.000ha, thành phố Bắc Kạn hơn 2.000ha...

cay keo.jpg
Một số hộ dân ở xã Cao Kỳ (huyện Chợ Mới) chặt bỏ cây keo bệnh.

Theo tính toán, chu kỳ của cây keo từ 5-7 năm tuổi. Nếu chăm sóc tốt có thể cho thu nhập khoảng 80 -100 triệu đồng/ha. Ở Bắc Kạn, giống phổ biến là keo tai tượng, keo lai… tuy nhiên, theo người dân phản ánh, từ 2 năm tuổi trở lên, cây thường chết héo, hoặc xuất hiện một số bệnh như mọt đục thân, thối thân... Vậy nên, khi cây được 5 năm tuổi là người dân đã khai thác non.

Triệu chứng điển hình của bệnh chết héo là do nấm Ceratocytis sp. Biểu hiện của bệnh là trên cây hoặc cành có những vết loét, thâm hoặc vết lõm ở phần vỏ cây. Vỏ và gỗ xung quanh vị trí bị bệnh đổi màu và đậm hơn bình thường, chảy nước hoặc sùi bọt. Khi vỏ cây và gỗ chuyển màu, tán lá bắt đầu héo, khô rụng và cây chết. Nấm gây bệnh chết héo xâm nhập vào các loại cây trong các tháng mưa nhiều, nặng nhất là sau mùa mưa.

Bệnh mọt đục thân, bên ngoài thân xuất hiện các đốm có màu sẫm, chảy nhựa, mọt thường đục thẳng vào thân xuyên qua lớp vỏ. Trong quá trình đó, mọt đưa nấm vào trong thân cây, làm biến màu gỗ, gây tắc mạch dẫn làm cây thiếu nước, từ đó gây hiện tượng héo và chết cây.

canh cay.jpg
Vườn keo của chị Ma Thị Thập ở thôn Nà Chào, xã Như Cố (huyện Chợ Mới) bước vào năm thứ 3.

Theo ông Hoàng Thanh Bình, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, BVTV và Quản lý chất lượng tỉnh Bắc Kạn: "Bệnh gây hại trên cây keo khá phổ biến, đặc biệt bệnh thối gốc, thối thân dẫn đến chết cây. Nguyên nhân là do trồng nhiều lứa keo trên cùng một diện tích, nấm đối kháng trong đất không còn, ảnh hưởng đến rễ cây. Mật độ trồng dày, khả năng sinh trưởng cây sẽ hạn chế. Cùng với đó, quy trình chăm sóc của người dân chưa bài bản, nhất là khâu xử lý tàn dư sau khi thu hoạch xong, do chưa xử lý triệt để nên một số nấm còn lưu cữu trong đất".

Vì vậy sau thu hoạch, bà con cần đào gốc mang tiêu hủy, khi phát hiện cây keo chết héo, bằng mọi cách phải chặt bỏ, xử lý vôi bột tại gốc để hạn chế mầm bệnh. Cần làm tốt việc kiểm soát giống từ lúc gieo ươm, giống phải sạch bệnh để đảm bảo an toàn ngay từ đầu vào. Đặc biệt với diện tích keo lâu năm phải được luân canh sau mỗi chu kỳ khai thác bằng các cây lâm nghiệp khác, như vậy mới giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, mang lại giá trị kinh tế cao/.

Xem thêm