Đúng hướng...
Nhận 7.000 tỉ đồng vốn nhà nước tại 3.000 Cty từ 8.2006, SCIC "bị" coi là "siêu DN" hay "Cty đặc biệt" do chức năng, quyền hạn và cả nhiệm vụ rất lớn. Chủ tịch HĐQT SCIC, TS Lê Thị Băng Tâm cho biết: Việc một đầu mối sở hữu, quản lý và chịu trách nhiệm phần vốn nhà nước là mô hình mới tại VN, là bước đi phù hợp với xu hướng mà thế giới thực hiện.
Với việc ra đời của SCIC, đồng tiền của Nhà nước được giao cho đối tượng cụ thể quản lý và chịu trách nhiệm. Sau khi tiếp nhận khoảng 700 DN; SCIC đã phân loại, thoái vốn tại những DN làm ăn không hiệu quả; tham gia cổ phần hoá hàng loạt DN lớn như TCty Điện tử tin học, Vinaconex, Pacific Airlines (PA)...
Sự đúng hướng của Chính phủ cũng như sự linh hoạt của SCIC đã giúp phần vốn nhà nước được quản lý tốt, gia tăng giá trị, chuyển đổi tích cực trong cơ chế hội nhập. Cụ thể là chỉ sau một năm tiếp nhận gần 7.000 tỉ đồng vốn nhà nước, SCIC đánh giá lại tài sản, tạo giá trị thương hiệu, cổ phần hoá và phát hành cổ phiếu... giá trị tài sản nhà nước đã tăng lên đến gần 30.000 tỉ đồng. Thậm chí, việc cải tổ DN đã cứu PA từ bờ vực phá sản thành DN có chỗ đứng; trở thành đối tác chiến lược với hãng hàng không giá rẻ số 1 thế giới Quantas...
...nhưng rào cản lớn
Dù tìm được hướng đi thành công, song SCIC vẫn đang đối mặt với quá nhiều rào cản. TS Băng Tâm cho biết: Khi tiếp nhận và tái cơ cấu, DN sẽ có số lượng không nhỏ nhân lực dư thừa, quan chức không làm việc, kiêm nhiệm, thậm chí là "ăn bám" DN được thay thế; ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương cũng không thể can thiệp vào DN hay coi đó là chỗ dựa tài chính được nữa... Chính điều này đã khiến nhiều nơi không muốn chuyển giao vốn.
Một rào cản khác là nhiều DN cũng không muốn SCIC tái cơ cấu, thoái vốn... Lý do là các DN này sợ bị cạnh tranh, sợ nhân sự bị thay đổi. Mặt khác, bản thân SCIC đang chịu sự cạnh tranh quyết liệt về nguồn nhân lực. Theo TS Băng Tâm: Đầu tư, kinh doanh vốn là lĩnh vực hoạt động tài chính đầy rủi ro, mạo hiểm; vì thế, SCIC cần nhân lực có trình độ cao, kinh nghiệm dày dặn... Thế nhưng, trong khi các DN nước ngoài mời gọi với mức lương vài ngàn USD thì tại SCIC, việc trả lương nhân viên SCIC vẫn theo hành chính.
TS Băng Tâm cho biết, SCIC đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ những rào cản. Mục tiêu của SCIC trong giai đoạn tới là giảm số lượng, tăng chất lượng, quy mô DN. Cụ thể, thay vì quản lý 3.000 DN với vốn 3 tỉ USD, SCIC hướng tới chỉ tập trung quản lý khoảng 150 DN với giá trị vốn tạo dựng được vào khoảng 40 tỉ USD.