Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Tiếp tục Chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 6, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội dành cả ngày 03/11 để thảo luận tại Hội trường về Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
Quang cảnh phiên thảo luận.

Quang cảnh phiên thảo luận.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được trình Quốc hội theo quy trình 03 kỳ họp (trình lần đầu tại Kỳ họp thứ 4, trình lần thứ 2 tại Kỳ họp thứ 5 và trình lần thứ 3 tại Kỳ họp thứ 6). Dự án Luật đã được tổ chức lấy ý kiến Nhân dân và được các cơ quan, đơn vị, tổ chức các hội nghị, hội thảo lấy ý kiến đối với nhiều đối tượng khác nhau.

Trên cơ sở ý kiến thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban khác của Quốc hội, ý kiến các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật. Ủy ban Kinh tế đã chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thường trực Ủy ban Pháp luật, Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật; tổ chức nhiều hội thảo, phiên họp tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà quản lý, đối tượng chịu sự tác động của dự thảo Luật; lấy ý kiến Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các bộ, ngành về một số nội dung cụ thể… để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện dự thảo Luật.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 16 chương và 265 điều. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5, dự thảo Luật đã: bỏ 04 điều, bổ sung 06 điều, sửa đổi 229 điều.

Nhiều nội dung lớn đã được chỉnh sửa, hoàn thiện thêm, như: Địa giới đơn vị hành chính, điều tra cơ bản về đất; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất; thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng; bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;giao đất, cho thuê đất;các trường hợp Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất một lần và hằng năm;cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; tài chính đất đai, giá đất; hoạt động lấn biển; đất sử dụng cho khu kinh tế…

Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều chính sách quan trọng chưa thiết kế được phương án tối ưu; trong quá trình rà soát tiếp tục phát sinh các vấn đề chính sách mới có ý kiến khác nhau do phạm vi của dự án Luật Đất đai rất rộng, liên quan mật thiết, chặt chẽ với nhiều quy định tại các luật khác. Bên cạnh đó, các quy định có tính kế thừa về mặt lịch sử, ghi nhận chính sách của Nhà nước qua các thời kỳ, một số nội dung tuy là trình tự, thủ tục nhưng được luật định do tác động trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ người sử dụng đất. Vì vậy, quá trình rà soát, hoàn thiện các phương án chính sách quan trọng, tiếp thu, giải trình các ý kiến tham gia của ĐBQH phải thật kỹ lưỡng để hoàn thiện toàn bộ dự thảo Luật bảo đảm chất lượng tốt nhất.

Tham gia thảo luận, đã có 140 đại biểu đăng ký phát biểu. Nhiều ý kiến đề nghị rà soát toàn diện dự thảo Luật bảo đảm thống nhất với quy định của các luật khác có liên quan. Đây là công việc rất khó, quá trình chuẩn bị cũng chưa thể xử lý một cách đồng bộ, kỹ lưỡng, do đó, sau khi ban hành sẽ gây vướng mắc, bất cập, chồng chéo, cần bảo đảm việc nghiên cứu tổng thể tổ chức thi hành pháp luật về đất đai, gắn với quá trình tổ chức thực hiện nhiều luật khác.

Có ý kiến đề nghị trường hợp chưa sửa được ngay các luật, để bảo đảm đồng bộ Luật Đất đai thì phải xác định rõ những luật, những điều, khoản cần phải tiếp tục sửa để trình Quốc hội, bảo đảm tiến độ khi Luật Đất đai có hiệu lực thi hành thì các quy định cũng đã được sửa đổi. Đối với những nội dung cần tiếp tục sửa đổi thì nên quy định ở điều khoản chuyển tiếp hoặc ban hành một nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật Đất đai. Nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát các luật có liên quan, đánh giá tác động kỹ lưỡng, kịp thời để đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số nội dung, bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật; đồng thời, đề nghị rà soát bảo đảm sự thống nhất nội tại của dự thảo Luật./.

Xem thêm