Mặc dù rất nổi tiếng và có giá trị, tiềm năng trong phát triển, nhưng trong những năm qua, việc bảo tồn, phát huy giá trị, nhất là du lịch ở hồ Ba Bể lại chưa tương xứng. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến hạn chế đó là do chưa có một quy hoạch bảo tồn, phát huy giá trị bài bản, đồng bộ. Để tiếp tục hoàn thiện nội dung Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể bảo đảm tính khoa học, thực tiễn, tính khả thi để trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tỉnh đã tổ chức hội nghị xin ý kiến về “Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể”. Mục tiêu của quy hoạch đến năm 2030 là phát huy giá trị nổi bật của hồ Ba Bể, kết nối liên vùng hình thành chuỗi sản phẩm du lịch phong phú, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và du lịch địa phương.
Tầm nhìn đến năm 2050, Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể hướng đến là trở thành khu bảo tồn, dự trữ sinh quyển độc đáo của quốc gia, một trong những khu du lịch sinh thái hấp dẫn của Việt Nam; giữ gìn những giá trị nổi bật để tạo thành hạt nhân của di sản thế giới, công viên địa chất toàn cầu trong tương lai.
Ông Nguyễn Văn Hà, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Bắc Kạn cho biết: “Với định hướng phát triển của tỉnh nhất là phát triển du lịch có vai trò hết sức quan trọng là một trong những cơ hội nhằm thu hút đầu tư từ bên ngoài ở lĩnh vực này, đây còn là một trong những khâu đột phá của tỉnh. Theo đó, việc sớm thông qua các quy hoạch nói chung và quy hoạch bảo tồn phát huy giá trị hồ Ba Bể sẽ tạo thuận lợi để du lịch Bắc Kạn phát triển.
Theo đó, định hướng đối với di tích quốc gia đặc biệt hồ Ba Bể là phát triển du lịch theo bốn hướng Đông, Tây, Nam, Bắc với hồ Ba Bể là trung tâm. Phía Bắc dành cho tham quan cảnh thác, hang động, nghỉ cộng đồng, nghỉ sinh thái, phía Đông dành cho trung tâm điều hành, dịch vụ, đón tiếp, khách sạn nghỉ dưỡng, phía Nam dành cho du lịch nghỉ cộng đồng, bảo tồn và phát triển văn hóa, nghỉ dưỡng sinh thái và dịch vụ cao cấp… phía Tây dành cho bảo tồn dân cư, văn hóa kết hợp du lịch cộng đồng, khám phá trải nghiệm và tham quan…
Việc triển khai thực hiện “Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di tích danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể” đặt ra những yêu cầu cụ thể, đó là: Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị danh lam thắng cảnh hồ Ba Bể bám sát vào Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn và quy hoạch nâng cấp Quốc lộ 3C với phương án kiến trúc cụ thể để thuận lợi cho bảo vệ, phát triển đồng thời quan tâm nghiên cứu kỹ quy mô quy hoạch, bổ sung thêm vấn đề tác động của sông Năng đối với hồ Ba Bể.
Thực tế cho thấy, hiện nay khu vực ven hồ Ba Bể có hàng trăm hộ dân đã sinh sống từ lâu đời, từ trước khi hồ Ba Bể được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt vào năm 2012 hiện tại trong khu vực bảo vệ I và bảo vệ II, có 04 thôn, gồm thôn Pác Ngòi, Bó Lù, Cốc Tộc, Bản Cám với gần 300 hộ dân sinh sống. Trong khi đó, 02 khu vực này chưa có quy định cụ thể về quản lý xây dựng, đất đai, môi trường thì hàng chục năm qua phần lớn các hộ dân tại đây đã chuyển sang kinh doanh homestay du lịch cộng đồng. Điều này đã dẫn tới tình trạng xây dựng không phép tràn lan trong các thôn...
Đồng chí Lục Văn Tuân, Bí thư Đảng ủy xã Nam Mẫu (Ba Bể) cho biết: “Chính quyền và Nhân dân huyện Ba Bể nói chung, xã Nam Mẫu nói riêng cũng rất mong chờ quy hoạch chung và quy hoạch bảo tồn phát huy giá trị của hồ Ba Bể được các ngành chức năng đóng góp ý kiến và trình bộ, ngành thẩm định để phê duyệt. Qua đó, sẽ góp phần quan trọng để địa phương phát triển du lịch và công tác quản lý được chặt chẽ hơn”.
Quy hoạch tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, hiện đang được xem là quy hoạch có ý nghĩa chiến lược, là động lực to lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Đồng thời, sẽ mở ra triển vọng hợp tác và cơ hội đầu tư cho tỉnh Bắc Kạn với các đối tác trong nước và quốc tế. Một trong 6 đột phá được xác định trong Quy hoạch của tỉnh, đó là thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch là trọng tâm, trong đó chú trọng phát triển du lịch nghỉ dưỡng, đưa thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nằm trong nhóm dẫn đầu các tỉnh trung du và miền núi Bắc Bộ. Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, có vai trò động lực thúc đẩy các ngành kinh tế khác với hệ thống kết cấu hạ tầng được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, đa mục tiêu./.