Tai nạn lao động - nhìn từ những nguyên nhân chủ quan

Tai nạn lao động phần lớn xảy ra do nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về các quy định an toàn còn hạn chế. Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường tập huấn kiến thức, ngành chức năng cần đẩy mạnh thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, qua đó hướng dẫn doanh nghiệp khắc phục thiếu sót đồng thời xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm.

Tai nạn lao động phần lớn xảy ra do nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về các quy định an toàn còn hạn chế. Vì vậy, bên cạnh việc tăng cường tập huấn kiến thức, ngành chức năng cần đẩy mạnh thanh, kiểm tra các cơ sở sản xuất, qua đó hướng dẫn doanh nghiệp khắc phục thiếu sót đồng thời xử lý kiên quyết các trường hợp vi phạm.

Theo số liệu thống kê, trong năm 2013 trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 06 vụ tai nạn lao động khiến 08 người bị nạn, trong đó có 02 người chết, 03 người bị thương nặng; thiệt hại vật chất khoảng 150 triệu đồng. So với năm 2012, số vụ tai nạn lao động không giảm, khong những vậy số người bị nạn và bị chết còn tăng. Đối với lĩnh vực tự sản xuất ở khu vực nông thôn, có 12 người chết do tai nạn lao động (trong đó lĩnh vực khai thác nông, lâm sản có 07 người chết). Trên địa bàn tỉnh xảy ra 20 vụ cháy, ước thiệt hại hơn 900 triệu đồng, rất may không có thiệt hại về người.

Trang bị đủ phương tiện bảo hộ để bảo đảm sản xuất an toàn.
Trang bị đủ phương tiện bảo hộ để bảo đảm sản xuất an toàn.


Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, các con số trên chưa thực sự phản ánh đúng bức tranh về an toàn lao động trên địa bàn tỉnh. Nguyên do là công tác báo cáo về an toàn vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ chưa được nhiều đơn vị, doanh nghiệp quan tâm, thực hiện. Theo số liệu của năm 2013, toàn tỉnh chỉ có 30/227 doanh nghiệp thực hiện công tác báo cáo, chiếm 13,2% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tình trạng che giấu, không báo cáo về các vụ tai nạn còn diễn ra phổ biến. Mặt khác số vụ tai nạn không gây chết người trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp vẫn chưa được thống kê... Nếu công tác thông tin báo cáo được thực hiện nghiêm chỉnh thì tai nạn lao động chắc chắn không dừng lại ở những con số nêu trên.


Ban quản lý Chương trình an toàn lao động, vệ sinh lao động tỉnh đánh giá, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an toàn lao động. Về phía người sử dụng lao động, do khó khăn chung của nền kinh tế, nhiều doanh nghiệp chưa tổ chức huấn luyện cho người lao động về an toàn, vệ sinh lao động hoặc làm đối phó, cắt xén thời gian, nội dung; không trang bị hoặc trang bị không đầy đủ phương tiện bảo hộ; không dành kinh phí thoả đáng để cải thiện điều kiện và môi trường làm việc cho người lao động. Bên cạnh đó, hằng năm mới chỉ có 15% doanh nghiệp tổ chức thực hiện khám sức khoẻ định kỳ và đo kiểm môi trường lao động.


Nguyên nhân thứ hai thuộc về phía người lao động. Đó là nhận thức của người lao động về công tác an toàn chưa cao. Qua thanh kiểm tra, ngành chức năng ghi nhận tình trạng người lao động dù biết mức độ nguy hiểm song vẫn cố tình không tuân thủ các tiêu chuẩn, quy định an toàn; dù được trang bị nhưng không sử dụng các phương tiện bảo hộ. Trong lao động sản xuất nông - lâm nghiệp, người lao động đa phần thiếu hiểu biết, chủ yếu làm việc dựa vào tập quán, kinh nghiệm, thói quen nên nguy cơ mất an toàn lao động còn cao.


Nguyên nhân thứ ba thuộc về phía cơ quan quản lý. Công tác thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh lao động chưa được tổ chức thường xuyên, do vậy chưa kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những thiếu sót, sai phạm của doanh nghiệp về bảo đảm an toàn lao động. Chế tài của nhà nước về xử phạt các vi phạm trong lĩnh vực này chưa đủ mạnh. Các biện pháp xử lý vi phạm còn chưa được áp dụng cương quyết, chủ yếu là nhắc nhở và yêu cầu doanh nghiệp tự khắc phục.


Năm 2014, Ban quản lý Chương trình an toàn lao động, vệ sinh lao động tỉnh đề ra mục tiêu giảm số vụ tai nạn lao động xuống dưới 5 vụ, số người bị nạn dưới 08 người; số vụ cháy dưới 15 vụ, không có vụ nổ. Tổ chức tập huấn về an toàn lao động cho ít nhất 50 doanh nghiệp trở lên; phấn đấu có từ 80% trở lên người bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp được chăm sóc sức khoẻ và phục hồi chức năng lao động. Bên cạnh việc đẩy mạnh các hoạt động tập huấn nghiệp vụ cho người lao động, người sử dụng lao động, giải pháp đáng chú ý được đề ra là khuyến khích các doanh nghiệp đóng góp nguồn lực và chủ động triển khai các hoạt động cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khoẻ người lao động; hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia thí điểm và áp dụng hệ thống quản lý công tác an toàn vệ sinh lao động tiên tiến, xây dựng văn hoá an toàn lao động./.
 

Đăng Bách

Xem thêm