Nội dung chương trình Hoạt động trải nghiệm trong nhà trường không chỉ dừng lại ở các chủ đề mang tính chính trị xã hội như trong chương trình hiện hành mà còn chú trọng vào các hoạt động phát triển cá nhân, lao động. Hoạt động trải nghiệm nhằm hình thành, phát triển năng lực học sinh thích ứng với cuộc sống, thiết kế, tổ chức hoạt động, định hướng nghề nghiệp.
Các em học sinh lớp 3 được trải nghiệm tại Trường quay Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh Bắc Kạn |
Ở cấp tiểu học, nội dung Hoạt động trải nghiệm tập trung vào khám phá, rèn luyện bản thân, phát triển quan hệ với bạn bè, thầy cô và người thân trong gia đình. Các hoạt động xã hội và tìm hiểu một số nghề nghiệp gần gũi với học sinh cũng được tổ chức thực hiện với nội dung, hình thức phù hợp với lứa tuổi. Ở cấp THCS, nội dung hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp tập trung hơn vào các hoạt động xã hội, hướng đến tự nhiên và hướng nghiệp; đồng thời hướng vào bản thân vẫn được tiếp tục triển khai để phát triển các phẩm chất và năng lực của học sinh.
Mới đây, học sinh khối lớp 3, Trường Tiểu học Sông Cầu được các thầy cô giáo tổ chức chuyên đề “Thăm và trải nghiệm Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh”. Hơn 200 em học sinh lớp 3 cùng giáo viên, phụ huynh học sinh đã trực tiếp đến thăm trường quay, các phòng sản xuất chương trình, trạm phát sóng của Đài.
Tại đây đoàn được nghe các cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên của Đài giới thiệu về quy trình sản xuất chương trình phát thanh và truyền hình, đồng thời các em học sinh được trải nghiệm tập làm phóng viên, phát thanh viên. Qua buổi thăm và trải nghiệm, học sinh có thêm kiến thức về máy thu thanh, máy thu hình, công nghệ thông tin và sử dụng thiết bị kỹ thuật số, biết lựa chọn nội dung phù hợp để tìm kiếm các thông tin hữu ích phù hợp với lứa tuổi phục vụ cho việc học và giải trí trên mạng internet.
Em Đoàn Ngọc Minh Khuê, học sinh lớp 3A lần đầu tiên được đứng trong trường quay, tập dẫn chương trình nên cảm thấy hồi hộp, nhưng khá hào hứng. Em cho biết: “Khi tham gia các chương trình trải nghiệm như thế này, em thêm hiểu biết về nghề của các cô chú ở Đài, đồng thời có những kỷ niệm đẹp gắn kết với các bạn bè trong lớp trong mỗi chuyến đi”.
Tại buổi thăm HTX Tiến Linh tại thành phố Bắc Kạn, các em học sinh lớp 2 của trường rất thích thú được ngắm vườn cây ăn quả xanh mướt, trĩu quả, tự tay hái những trái bưởi vàng mọng, nhiều bạn nhỏ lần đầu tiên được leo đồi, hoà mình vào thiên nhiên và cuộc sống lao động sản xuất của người nông dân cũng mang lại nhiều cảm xúc chân thực, đáng nhớ.
Cô Đào Thị Phương, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sông Cầu cho biết: “Với mong muốn giúp học sinh có cơ hội được giao lưu, trải nghiệm để học hỏi, thực hành, vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn đời sống, đồng thời phát huy tiềm năng sáng tạo của bản thân. Nâng cao tinh thần đoàn kết, tính kỷ luật, trách nhiệm cho học sinh khi tham gia học tập, rèn luyện, sinh hoạt, vui chơi. Từ đầu năm học 2022-2023 đến nay, nhà trường đã tổ chức một số hoạt động trải nghiệm như: Thăm HTX Tiến Linh, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, thăm và tặng quà cho các bạn học sinh Trường Tiểu học Cổ Linh (Pác Nặm)… Việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm được xã hội hoá huy động sự tham gia ủng hộ của gia đình, cộng đồng.
Còn đối với các em học sinh của Trường PTDT Nội trú THCS Chợ Mới khi tham gia chương trình ngoại khoá giáo dục địa phương, do trường tổ chức đã góp phần giúp các em hiểu thêm về lịch sử, địa lí, văn hoá, ẩm thực của địa phương. Ngoài ra các em còn tham gia các hoạt động đóng vai tuyên truyền về an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, giảm thiểu nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết…
Tất cả những hoạt động đó rất bổ ích, thiết thực, tạo hứng thú cho học sinh. Em Triệu Thị Lệ Sen, học sinh lớp 6 Trường PTDT Nội trú THCS Chợ Mới mong muốn được tham gia nhiều chương trình trải nghiệm như vậy để trang bị thêm các kỹ năng mình còn thiếu, giúp tự tin hơn trong cuộc sống sinh hoạt và học tập.
Tại cuộc giám sát việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới tại tỉnh Bắc Kạn, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh: “Đổi mới giáo dục nói chung và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới là nhiệm vụ lớn và nhiều thách thức, phải đảm bảo về mặt thời gian, lượng công việc rất lớn trong khi các điều kiện đảm bảo chất lượng, điều kiện thực hiện còn rất khó khăn. Do đó, để hoàn thành được nhiệm vụ này, cần có nỗ lực lớn của toàn ngành, sự phối hợp, vào cuộc quyết tâm của các địa phương, các bộ, ngành liên quan. Một trong những yêu cầu mới của chương trình đó là tăng cường hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho học sinh. Vì vậy dù khó khăn nhưng các trường cần chú trọng đến thực hiện nhiệm vụ quan trọng này”./.