Tăng cường quản lý thuế trong hoạt động sản xuất chế biến gỗ

0:00 / 0:00
0:00
BBK - Những năm qua, tỉnh Bắc Kạn đã tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác, chế biến và thu mua sản phẩm gỗ rừng, góp phần quan trọng trong công tác trồng, bảo vệ và phát triển rừng. Tuy nhiên, đến nay nguồn thu vào ngân sách nhà nước từ hoạt động này chưa tương xứng với trữ lượng khai thác thực tế.

Tỉnh Bắc Kạn có diện tích tự nhiên 485.996ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp có rừng chiếm tỷ trọng cao (trên 85%) tương ứng 413.362ha. Trong đó, rừng sản xuất là 301.618ha; rừng phòng hộ là 82.909ha; rừng đặc dụng là 28.835ha. Những năm qua, công tác phát triển rừng tiếp tục được tỉnh quan tâm chỉ đạo cùng với đó ngành công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh đã bước đầu được hình thành với quy mô ngày càng mở rộng từ đó đã thúc đẩy phát triển trồng rừng, bảo vệ môi trường, tạo sinh kế bền vững cho các hộ dân, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Ngành công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn chưa tạo giá trị gia tăng cao.

Ngành công nghiệp chế biến gỗ của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn chưa tạo giá trị gia tăng cao.

Tuy nhiên, tỷ lệ sản lượng gỗ được chế biến so với sản lượng gỗ khai thác còn chiếm tỷ lệ thấp, cao nhất là năm 2019 là 53,9% và đang có xu hướng giảm. Giá trị sản xuất ngành chế biến gỗ của tỉnh tính từ năm 2017 đến năm 2021 tăng trưởng bình quân 3,49%, duy nhất năm 2020 là 39,87% đây là thời kỳ các cơ sở sản xuất gỗ bóc phát triển mạnh nhưng chủ yếu là tự phát.

Một số nhà đầu tư đã đầu tư vào tỉnh để chế biến sâu phục vụ xuất khẩu như Công ty TNHH Lechenwood Việt Nam; Công ty TNHH dịch vụ sản xuất và xuất nhập khẩu LHC miền Bắc; Công ty Cổ phần đầu tư Govina... Tuy nhiên hầu hết các công ty này cũng gặp khó khăn về nguyên liệu đầu vào do yêu cầu thị trường xuất khẩu đòi hỏi nguồn nguyên liệu phải đảm bảo rõ nguồn gốc và hợp pháp.

Hầu hết các hộ sản xuất sơ chế gỗ còn nhỏ lẻ chưa tạo được nguồn thu cho ngân sách.

Hầu hết các hộ sản xuất sơ chế gỗ còn nhỏ lẻ chưa tạo được nguồn thu cho ngân sách.

Báo cáo của tỉnh cho thấy mặc dù tiềm năng về rừng của tỉnh là rất lớn, sản lượng khai thác gỗ các loại đạt trên 293.000m3 (theo số liệu thống kế năm 2021). Tuy nhiên thực tế hiện nay còn nhiều bất cập trong công tác quản lý hoạt động khai thác, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh. Việc cấp phép hoạt động đối với các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ chưa chặt chẽ, chưa hình thành chuỗi liên kết giữa chủ rừng với cơ sở chế biến và các nhà máy chế biến gỗ, sản phẩm chủ yếu là sơ chế giá thành chưa cao, còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc nhất là gỗ bóc, dăm gỗ.

Bên cạnh đó còn tình trạng khai thác gỗ tròn chưa đến tuổi khai thác, việc thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ, kê khai thuế, báo cáo sản lượng chưa trung thực, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định.

Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thô sơ khó cạnh tranh với thị trường bên ngoài.

Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, thô sơ khó cạnh tranh với thị trường bên ngoài.

Theo Cục Thuế tỉnh hiện nay trên địa toàn tỉnh có trên 200 công ty, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, chế biến gỗ. Công tác quản lý thuế trong lĩnh vực này còn nhiều khó khăn, qua kiểm tra thực tế của các cơ quan chức năng cho thấy về cơ bản các cơ sở chế biến gỗ thực hiện thu mua trực tiếp từ sản phẩm gỗ rừng trồng của người dân trên địa bàn đã thực hiện mở sổ sách theo dõi nhập, xuất tại xưởng sản xuất theo quy định. Về quy mô chủ yếu là các hộ kinh doanh cá thể, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún (chủ yếu sản xuất gỗ bóc) việc thực hiện quy định của Nhà nước về chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ cũng còn hạn chế theo đó nguồn thu ngân sách ở lĩnh vực này còn rất thấp.

Để ngành công nghiệp chế biến lâm sản của tỉnh phát triển ổn định, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. UBND tỉnh đã ban hành Chỉ thị số 12/CT-UBND tỉnh Bắc Kạn, ngày 05/10/2021 về việc tăng cường quản lý hoạt động của các cơ sở sản xuất, chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh. Giao cho các ngành chức năng của tỉnh và các huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ được giao tăng cường công tác kiểm tra, thực hiện các biện pháp quản lý các hoạt động liên quan tới sản xuất, chế biến gỗ.

Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến gỗ, các chủ rừng thực hiện nghiêm các quy định về sử dụng đất, bảo vệ môi trường và chế độ hóa đơn, chứng từ trong sản xuất kinh doanh; chủ động liên kết với các bên liên quan để thực hiện sản xuất theo chu trình khép kín từ khâu trồng rừng đến khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Có cam kết không thu mua gỗ tròn đối với rừng trồng chưa đủ tuổi khai thác và gỗ rừng tự nhiên với UBND huyện, thành phố đồng thời triển khai thực hiện tốt Đề án nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước gắn với công tác quản lý thuế đối với hoạt động khai thác, chế biến gỗ trên địa bàn trong giai đoạn hiện nay./.

Xem thêm