Cuối năm 2023, qua rà soát, bình xét, gia đình chị Hà Thị Vân, thôn 2 Khau Cưởm, xã Sỹ Bình (Bạch Thông) đã ra khỏi danh sách hộ nghèo. Kết quả này là nỗ lực vươn lên của gia đình và nguồn lực hỗ trợ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN (Chương trình MTQG).
Khi gia đình chị Vân đăng ký thoát nghèo, cấp ủy, chính quyền địa phương giao cho các hội, đoàn thể và lãnh đạo thôn theo dõi giúp đỡ phát triển kinh tế, ưu tiên tham gia các mô hình sản xuất theo chuỗi và cộng đồng. Theo đó, năm 2023, gia đình chị được hỗ trợ tham gia chuỗi giá trị trồng khoai tây, vay vốn Ngân hàng Chính sách và Xã hội 70 triệu đồng để mở rộng diện tích trồng hồi, cải tạo hồi đã già cỗi. Thoát khỏi danh sách hộ nghèo, gia đình chị Vân vẫn tiếp tục được Nhà nước hỗ trợ nuôi trâu sinh sản trong năm 2024 để tạo động lực cho gia đình vươn lên thành hộ khá.
Giai đoạn 2022 – 2025, HTX Nhung Lũy, xã Yến Dương (Ba Bể) được giao thực hiện 02 chuỗi liên kết chăn nuôi gà thịt thương phẩm và bò sinh sản từ nguồn lực Chương trình MTQG. HTX Nhung Lũy đã đồng hành cùng các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, hộ DTTS để thay đổi phương thức sản xuất theo hướng hiện đại, khoa học, hiệu quả hơn. Năm 2023, có 01 hộ trong chuỗi liên kết đã thoát nghèo là gia đình anh Nông Văn Kiệm, thôn Khuổi Luồm.
“Nếu cứ làm ăn nhỏ lẻ, nuôi vài chục con gà, cấy ít lúa thì gia đình tôi rất khó thoát nghèo. Tham gia dự án do Nhà nước hỗ trợ với sự đồng hành của HTX Nhung Lũy là cơ hội cho hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào DTTS như chúng tôi vươn lên”, anh Kiệm cho hay.
Cho “cần câu” thay vì cho “cá”, là cách Bắc Kạn triển khai để giúp người dân vùng đồng bào DTTS&MN thoát nghèo bền vững. Theo đó, thay vì hỗ trợ tiền trực tiếp cho người dân, các cấp ngành, đoàn thể tạo sinh kế bằng tập huấn đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng sản xuất, đặc biệt là đưa họ vào các chuỗi liên kết sản xuất hay dự án cộng đồng.
Chỉ tính riêng Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, giai đoạn 2022 – 2024, tổng số dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị đề xuất là 66 dự án. Trong đó có 57 dự án đã được phê duyệt, 32 dự án đã triển khai thực hiện hỗ trợ. Cùng với đó, số dự án phát triển sản xuất cộng đồng được đề xuất giai đoạn này là 223 dự án. Có 162 dự án được phê duyệt, đã triển khai thực hiện hỗ trợ 156 dự án. Kinh phí được phân bổ thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Chương trình MTQG là 181 tỷ đồng.
Là tỉnh miền núi có tiềm năng phát triển cây dược liệu, Bắc Kạn đang tập trung khai thác hướng đi này để tạo thêm việc làm, thu nhập cho đồng bào vùng cao. Đầu tháng 2/2024, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý tại huyện Ba Bể, tỉnh Bắc Kạn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN tại Quyết định số 194/QĐ-UBND ngày 02/2/2024. Tổng mức đầu tư dự án là gần 230 tỷ đồng, vùng trồng nguyên liệu tại các xã: Đồng Phúc, Hoàng Trĩ, Quảng Khê, Mỹ Phương, Thượng Giáo, Cao Thượng, Chu Hương. Đồng thời, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với UBND huyện Ba Bể, Sở Công Thương và các phòng chuyên môn thuộc UBND huyện Ba Bể, UBND xã Chu Hương tiến hành khảo sát và xác định địa điểm xây dựng nhà máy chế biến dược liệu tại thôn Bản Trù, xã Chu Hương, với tổng diện tích 5ha.
Trên phạm vi toàn tỉnh, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong tổ chức thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội giúp người dân nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo thì số hộ nghèo đa chiều đầu kỳ (2021 – 2025) là hơn 22.300 hộ, chiếm tỷ lệ 27,3%, đến cuối năm 2023 là hơn 18.000 hộ, chiếm tỷ lệ 21,9% (năm 2022 giảm 2,6%; năm 2023 giảm 2,7%); tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số đầu kỳ là 30,5%, đến cuối năm 2023 là 24,4% (năm 2022 giảm 2,6%, năm 2023 giảm 3,4%), bình quân mỗi năm giảm 3%. Kết quả này có phần đóng góp từ các chương trình MTQG, trong đó có Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN.
Bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho rằng: Chương trình MTQG đã và đang làm thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi, nâng cao đời sống của người dân, tăng cường niềm tin của đồng bào với Đảng và Nhà nước. Không chỉ tăng cường kết cấu hạ tầng nông thôn, miền núi, Chương trình MTQG còn giải quyết những nhu cầu thiết yếu mọi mặt cho vùng đồng bào DTTS&MN, tạo sinh kế bền vững để người dân vươn lên./.