Tập trung xử lý tình trạng nợ đọng thuế của doanh nghiệp

Nợ đọng thuế, phí của doanh nghiệp đang ảnh hưởng trực tiếp tới nhiệm vụ thu ngân sách của tỉnh. Triển khai đồng bộ các giải pháp để truy thu và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp là điều cần tập trung thực hiện trong giai đoạn hiện nay.
Nợ đọng lớn
Tình trạng nợ thuế, phí của doanh nghiệp bắt đầu tăng từ năm 2010 trở lại đây và ngày càng có xu hướng tăng. Năm nào cũng vậy, việc truy thu thuế nợ đọng luôn trở thành một nhiệm vụ quan trọng và khó khăn đối với ngành Thuế. Ngược lại, trả hết tiền thuế, phí nợ trở thành một bài toán khó giải với rất nhiều doanh nghiệp. Có không ít đơn vị chấp nhận vay ngân hàng để trả nợ nhưng cũng không ít doanh nghiệp phá sản vì không trả nổi nợ thuế, phí.
Theo báo cáo của Cục Thuế Bắc Kạn, đến hết năm 2013, tổng số nợ thuế có khả năng thu được là gần 40 tỷ đồng của 210 doanh nghiệp. Đến hết tháng 5/2014 số doanh nghiệp nợ đã tăng lên 281 đơn vị với tổng số nợ gần 50 tỷ đồng. Trong đó, có 69 đơn vị nợ trên 100 triệu đồng và 12 đơn vị nợ trên 01 tỷ đồng. Đơn vị nợ thuế lớn nhất hiện tại là: Công ty Cổ phần tập đoàn tre gỗ Việt Nam nợ hơn 4,3 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Bắc Việt nợ hơn 3,8 tỷ đồng; Công ty Cổ phần khoáng sản và luyện kim Bắc Á nợ hơn 3,5 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico nợ hơn 3,4 tỷ đồng; Công ty Cổ phần An Hồng Phương nợ hơn 2 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Sahabak nợ hơn 1,3 tỷ đồng; Công ty TNHH xây lắp Hoàng Quân nợ hơn 1,1 tỷ đồng…  Đặc biệt, Công ty Cổ phần Thương mại & Khoáng sản Nguyên Phát nợ đọng thuế, phí lên tới hơn 200 tỷ đồng. 
Không ít doanh nghiệp cố tình chây ỳ nợ thuế nhằm chiếm dụng tiền thuế có thời hạn để đầu tư, trả nợ vay thậm chí bỏ trốn. Theo Cục Thuế Bắc Kạn, một số doanh nghiệp đã có dấu hiệu liên kết, hạch toán quay vòng để trốn thuế. Cục Thuế tỉnh đã phải thanh tra, xử lý truy thu, xử phạt lớn đối với Công ty Cổ phần An Hồng Phương; Công ty Cổ phần thép Cao Bắc… 
Nguyên nhân của tình trạng nợ đọng thuế, phí
Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần khoáng sản và luyện kim Bắc Á, Cổ phần tập đoàn tre gỗ Việt Nam, Công ty Cổ phần thép Cao Bắc, Công ty Cổ phần An Hồng Phương thì tình trạng nợ thuế, phí của các công ty này xuất phát từ việc hoạt động kinh doanh, sản xuất gặp khó khăn, công tác quản lý, điều hành chưa tốt, trong khi đó lại phải nộp phí bảo vệ môi trường theo Nghị định 74/2011/NĐ-CP về phí bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản gấp 18 lần so với mức cũ. Nguyên nhân này cũng được coi là điều cơ bản dẫn tới số nợ thuế, phí của Công ty Cổ phần Thương mại & Khoáng sản Nguyên Phát tăng lên tới mức “khổng lồ” như hiện nay. 
Nợ thuế và phí bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp khai thác vàng lên tới gần 240 tỷ đồng. (ảnh: Hiện trường sau khai thác tại mỏ vàng Bản Nghiểng- Vằng Ma, xã An Thắng, Pác Nặm của công ty Cổ phần Thương mại & Khoáng sản Nguyên Phát).
Nợ thuế, phí bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp khai thác vàng lên tới gần 240 tỷ đồng. (Ảnh: Hiện trường sau khai thác tại mỏ vàng ở xã An Thắng, huyện Pác Nặm của Công ty Cổ phần Thương mại & Khoáng sản Nguyên Phát).
Trong khi đó, theo ông Hà Văn Phú- Giám đốc Công ty Cổ phần tư vấn và xây dựng Hùng Vương, nợ đọng xây dựng cơ bản của các chủ đầu tư đối với các doanh nghiệp xây dựng cơ bản, nhất là doanh nghiệp tư vấn xây dựng cơ bản đang “nhấn chìm” dần khả năng trả nợ của các đơn vị này. Đối với doanh nghiệp tư vấn xây dựng cơ bản, rất nhiều dự án, công trình đã tư vấn thiết kế xong, phê duyệt dự án nhưng lại không khởi công hoặc khởi công mà thiếu vốn do đó chủ đầu tư không có tiền trả cho tư vấn. Hiện tại, các chủ đầu tư còn nợ đọng vốn xây dựng cơ bản đối với Công ty Cổ phần tư vấn và xây dựng Hùng Vương khoảng 10 tỷ đồng. Trên thực tế, trung bình mỗi doanh nghiệp xây dựng cơ bản có thể chịu nợ đọng vốn từ chủ đầu tư khoảng 2 - 5 tỷ đồng là bình thường. 
Theo đánh giá của Cục Thuế Bắc Kạn, đại bộ phận các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với năng lực tài chính hạn chế. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng cơ bản phụ thuộc vào thanh toán vốn Nhà nước, khi cắt giảm đầu tư công, không có việc nên dẫn tới nợ thuế. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực khoáng sản hàng tồn kho lớn. Đặc biệt, tình trạng chây ỳ, cố tình chậm nộp đã diễn ra ở không ít doanh nghiệp. Nếu như các doanh nghiệp năm nào cố gắng nộp dứt điểm của năm đó thì không đến nỗi số nợ thuế ngày càng tăng, vượt quá sức chịu đựng của chính bản thân doanh nghiệp đó đến vậy. 
Về nguyên nhân sâu sa có thể thấy rằng, đối với doanh nghiệp lĩnh vực khoáng sản vẫn quen làm ăn kiểu chụp giật, tập trung khai thác thô, xuất tinh quặng sau sơ tuyển chứ không tập trung cho chế biến sâu. Do đó, khi chủ trương cấm xuất tinh quặng đưa ra lập tức các doanh nghiệp tồn kho và nợ thuế là đương nhiên. Trong lĩnh vực xây dựng cơ bản, việc lập tư vấn thiết kế, phê duyệt trước rồi đi xin vốn sau; chi một phần vốn để khởi công quá nhiều công trình dàn trải mang rủi ro cao. Khi không có nguồn vốn hoặc cắt giảm theo chủ trương của Chính phủ thì lập tức các doanh nghiệp lĩnh vực này “mất việc” và mất cả tiền. Ngoài ra, do năng lực tài chính yếu, hầu hết các doanh nghiệp đều vay vốn ngân hàng để đi làm nên không có tiền trả nợ thuế, hoặc nếu có thì đem trả nợ ngân hàng trước. 
Cần giải pháp đồng bộ
Trước hết, cần phải khẳng định việc chậm nộp, nợ đọng thuế, phí của các doanh nghiệp là trái quy định, pháp luật của Nhà nước. Để tháo gỡ khó khăn, Nhà nước cũng đã có những quy định giảm, giãn thuế đối với những đối tượng cụ thể nhưng chính sách đó không phải là cái cớ để doanh nghiệp lách luật chiếm dụng thuế. Cho đến nay, ngành Thuế đã thực hiện cưỡng chế thuế đối với 90 doanh nghiệp trong đó áp dụng biện pháp đình chỉ hóa đơn đối với 73 doanh nghiệp. Qua đó đã truy thu trên 30 tỷ đồng tiền thuế nợ. 
Qua thực tế có thể thấy rằng, áp dụng đình chỉ hóa đơn trong cưỡng chế thuế là cần thiết nhưng rõ ràng cần có sự chọn lọc kỹ càng. Đối với doanh nghiệp nợ thuế nhưng vẫn hoạt động, phải có hóa đơn để có thể thu tiền về hoặc xuất bán hàng hóa thì cần có sự cân nhắc nên hay không nên đình chỉ hóa đơn. Đặc biệt là đối với các doanh nghiệp có thể sớm được các chủ đầu tư chi trả vốn xây dựng cơ bản còn nợ đọng. 
Trước tình hình hiện tại, tỉnh đã chỉ đạo các chủ đầu tư khi thanh toán vốn đối với công trình, hạng mục công trình hoàn thành phải yêu cầu nhà thầu viết hóa đơn giá trị gia tăng để cơ quan thuế thực hiện quản lý thuế và quản lý hóa đơn chứng từ theo quy định. Cục Thuế tỉnh tăng cường chỉ đạo thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra thuế theo kế hoạch được giao, đồng thời tiếp tục thực hiện có hiệu quả các biện pháp cưỡng chế thuế, nhất là đối với các doanh nghiệp có biểu hiện chây ỳ nợ thuế kéo dài. 
Việc xử lý hình sự đối với các doanh nghiệp bỏ trốn để trốn thuế cũng cần phải được quan tâm hơn, nhất là khi kể từ năm 1997 tới nay toàn tỉnh còn khoảng 100 doanh nghiệp nợ đọng thuế không tìm thấy chủ doanh nghiệp, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa phối hợp xử lý được vụ việc nào. Việc các doanh nghiệp mở nhiều tài khoản trong ngân hàng để nhằm mục đích bị phong tỏa tài khoản này thì dùng tài khoản khác cũng là điều đáng lưu ý trong việc truy thu thuế nợ đọng./. 
Tuấn Sơn

Xem thêm