Tiềm năng kinh tế từ giống lạc đỏ bản địa tại Bắc Kạn

0:00 / 0:00
0:00

BBK - Nhờ có ưu điểm thơm, bùi, ngậy, giống lạc đỏ ta là một trong những sản phẩm luôn được thị trường ưa chuộng. Hiện nay, một số xã trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã tận dụng lợi thế về đất đai, chuyển đổi sang trồng giống lạc đỏ đem lại năng suất cao.

lac 1.jpg
Bà Hoàng Thị Nơi, xã Côn Minh, huyện Na Rì phấn khởi vì năm nay lạc đỏ tiếp tục được giá.

Đã hơn 10 năm nay, bà Hoàng Thị Nơi, ở thôn Nà Cằm (xã Côn Minh, huyện Na Rì) vẫn duy trì canh tác khoảng 1.000m2 lạc đỏ. Theo bà đây là cây trồng ngắn ngày cho giá trị kinh tế cao hơn so với cây lúa, dong riềng, giá bán 1kg lạc tươi đạt 20.000 đồng/kg, lạc khô vỏ là 40.000 đồng/kg. Hơn nữa trồng lạc không mất nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh hại, mỗi năm chỉ làm cỏ 1-2 lần. Quan trọng nhất là sản phẩm làm ra thuận lợi, chưa thu hoạch xong nhưng toàn bộ lạc của gia đình bà Nơi đã có tư thương gọi điện đặt mua trước. Dự kiến vụ này, gia đình bà thu về khoảng 6 tạ lạc tươi.

Mặc dù muốn mở rộng diện tích nhưng nhà bà Nơi không còn quỹ đất, hơn nữa giống lạc đỏ chỉ thích thích hợp đất pha cát nhẹ, có độ tơi, trồng trên loại đất này việc canh tác và thu hoạch sẽ dễ dàng, còn trên đất thịt năng suất sẽ thấp hơn.

Được biết, giống lạc đỏ người dân còn gọi là lạc ta, hạt nhỏ hơn so với giống lạc lai hoặc lạc trắng, nhưng bù lại giống lạc ta này ăn ngon bởi bùi, ngọt, ngậy. Sau mỗi vụ người dân thường để lại ít giống, lựa những củ mẩy, to về làm giống cho vụ sau.

Vụ xuân năm nay, bà Hoàng Thị Băng ở thôn Bản Lài, xã Côn Minh (huyện Na Rì) trồng khoảng 500m2 lạc đỏ trên đất ruộng. Sau 3,5 tháng trồng, toàn bộ diện tích đã được thu hoạch, dự kiến thu về khoảng 3 tạ tươi. Với số lượng từng đó, bán ra thị trường thu về khoảng 6 triệu đồng, so với cấy lúa thu nhập cao gấp 3 lần. Hơn nữa giống lạc đỏ dễ bán, khách hàng vào tận nhà đặt mua.

Sau khi kết thúc vụ lạc này, thay vì trồng lúa bà Băng sẽ tiếp tục trồng lạc ở vụ thứ hai. “Trồng lúa mất nhiều công, trong khi đó trồng cây lạc ít công, sau thu hoạch, chỉ cần đánh tơi đất, lên luống là có thể xuống giống”, bà Băng cho biết.

Theo Sở NN&PTNT Bắc Kạn, vụ xuân năm nay, toàn tỉnh trồng được 278ha lạc, trong đó huyện Na Rì trồng nhiều nhất với 111ha; huyện Chợ Đồn 43ha; Chợ Mới 31ha, Ba Bể 32ha, còn lại ở các huyện khác. Đây là cây công nghiệp ngắn ngày, có giá trị kinh tế cao nhưng chưa được quan tâm mở rộng, lý do là thiếu nhân lực, quỹ đất phù hợp ít, bà con phần lớn trồng nhỏ lẻ, manh mún.

lac 4.jpg
Người dân xã Côn Minh, huyện Na Rì phơi lạc trước khi đem bán.

Nhận thấy tiềm năng từ giống lạc đỏ bản địa, có nơi đã có hình thức khuyến khích phát triển. Điển hình như xã Côn Minh, từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vụ xuân năm 2024, xã đã hỗ trợ giống, phân bón, khoa học kỹ thuật cho 53 hộ nghèo, cận nghèo trồng cây lạc, diện tích hơn 4ha, với cách làm này đã khích lệ bà con chủ động trong phát triển kinh tế.

lac 6.png
Giống lạc đỏ luôn được thị trường ưa chuộng, giá thành cao.

Ông Sằm Văn Thường, Chủ tịch UBND xã Côn Minh cho hay: “Cây lạc đỏ đã trồng ở đất Côn Minh nhiều năm, được thị trường ưa chuộng nhưng chỉ phù hợp với chất đất tơi xốp. Trên địa bàn chủ yếu có thôn Nà Cằm, Bản Lài… là 2 thôn có quỹ đất phù hợp với cây lạc, diện tích mỗi vụ lên 6ha, đây là cây trồng phụ nhưng cũng giải quyết một phần thu nhập của người dân”.

Để khai thác tiềm năng đất đai, hỗ trợ cho các hộ dân có thu nhập, năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh từng triển khai mô hình lạc xen ngô ngọt tại xã Nông Hạ (huyện Chợ Mới); xã Quảng Khê (huyện Ba Bể) với giống lạc trắng, sản phẩm được doanh nghiệp cam kết thu mua. Rõ ràng, với tiềm năng sẵn có, nhu cầu lớn từ thị trường, trồng lạc hoàn toàn có thể mang lại thu nhập khá, đặc biệt là ở những vùng có điều kiện đất đai phù hợp./.

Xem thêm