Vẻ đẹp chân phương toả sáng qua sáng tạo nghệ thuật
Trong những triển lãm gần đây của các hoạ sĩ, tác giả tỉnh Bắc Kạn, người yêu tranh đến thưởng lãm đã bày tỏ sự yêu thích với nhiều bức tranh của hoạ sĩ Trần Ngọc Kiên. Cùng với những đề tài phong phú, sự kết hợp màu sắc nổi bật, nét vẽ tinh tế thì thật thiếu sót nếu không nhắc đến hình ảnh người phụ nữ trong tranh của hoạ sĩ Trần Ngọc Kiên.
Tỉnh Bắc Kạn tự hào là nơi sinh sống của 7 dân tộc anh em, ở các làng bản vùng cao, người dân vẫn lưu giữ được nhiều bản sắc văn hoá truyền thống nối tiếp từ nhiều thế hệ. Những nét chấm phá đặc sắc giữa núi rừng đó đã bước vào các tác phẩm của những người yêu nghệ thuật, đam mê hội hoạ của Bắc Kạn một cách tự nhiên và thân thuộc. Với riêng hoạ sĩ Ngọc Kiên, mảng đề tài này được anh khai thác tương đối đa dạng. Khung cảnh thiên nhiên thơ mộng, hình ảnh bếp lửa nhà sàn, lễ hội mùa xuân… đều được anh đưa vào các tác phẩm hội hoạ. Nhưng nếu đã đồng hành cùng hoạ sĩ Trần Ngọc Kiên trong nhiều năm, không khó để nhận ra anh dành tình cảm đặc biệt cho phụ nữ vùng cao, đặc biệt là phụ nữ người dân tộc thiểu số.
Một trong những tác phẩm để lại nhiều ấn tượng của hoạ sĩ Trần Ngọc Kiên gần đây là bức tranh “Vũ điệu núi hoa”. Bức vẽ trên toan lưu lại hình ảnh các cô gái Tày lung linh như bông hoa, mềm mại như tiên nữ đang say sưa múa bát. Cũng với góc nhìn và sự sáng tạo nghệ thuật, hình ảnh những bà mẹ vùng cao đầu buộc khăn, vóc người đầy đặn địu con “Xuống chợ ngày xuân” trở nên hết sức thu hút. Nếu múa bay bổng, khi bên con dịu dàng thì những cô gái dân tộc Dao tiền với “Nét đẹp vùng cao” được hoạ sĩ Ngọc Kiên tô điểm rực rỡ như những bông hoa rừng. “Cô gái Sán Chỉ” có phần e ấp, ngại ngùng của thiếu nữ, khuôn mặt xinh đẹp như ánh trăng, “Người mẹ vùng cao” với nếp nhăn vất vả, nụ cười thật thà vẫn thật đẹp qua đôi tay tài hoa của anh.
Đưa tay chạm nhẹ vào tác phẩm “Người mẹ vùng cao” hoạ sĩ Ngọc Kiên chia sẻ: Tôi nghĩ rằng, ai cũng yêu cái đẹp, mà nhắc đến cái đẹp là sẽ nhớ ngay đến phụ nữ. Những bông hoa đẹp và luôn luôn toả hương tươi thắm cho cuộc đời. Tôi rất thích vẽ về phụ nữ vùng cao và cũng tha thiết đưa nét đẹp chân phương, bình dị của các bà, các mẹ, các cô gái trong trang phục dân tộc truyền thống đến người yêu nghệ thuật.
Vẽ bằng cảm xúc và tình yêu đặc biệt
Tác giả Lường Văn Học là hội viên chuyên ngành Mỹ Thuật Bắc Kạn đã có những bước tiến và dấu ấn riêng trong những năm gần đây. Sinh sống và làm việc tại huyện Pác Nặm, anh vẫn bảo đây là lợi thế trong hành trình sáng tạo nghệ thuật. Không quá ngạc nhiên khi những bức tranh anh vẽ về phụ nữ đều mang đậm dấu ấn bản sắc truyền thống.
Trong những triển lãm của các hoạ sĩ Bắc Kạn, tác giả Lường Văn Học mang đến màu sắc riêng với các tác phẩm chân dung. “Cô dâu Dao Đỏ” đầu trùm khăn, sống mũi cao thẳng, khuôn mặt trái xoan; “Ngày mới” lấp lánh với cô gái dân tộc Mông, đeo khuyên tai, vòng cổ to tròn, đôi mắt một mí; cô gái Tày nền nã, mảnh dẻ vấn khăn vải chàm, hiền lành “Đợi” người thương bên mái hiên nhà sàn; cô bé “Tuổi hoa niên” váy xoè rực rỡ giữa con đường hoa dại trắng muốt… hẳn rằng, phải yêu thương, tinh tế và đam mê nhiều lắm, tác giả mới có thể vẽ nên những tác phẩm ấn tượng bán hiện thực thu hút, sinh động và chân thực đến thế.
Trò chuyện với chúng tôi, tác giả Lường Văn Học cho biết: Tôi sống và làm việc tại xã Công Bằng, huyện Pác Nặm nên có dịp là tôi đi thực tế ở khắp các bản làng, các chợ phiên. Nhờ đó đã bắt được nhiều hình ảnh đẹp, đó là những phụ nữ các dân tộc mặc trang phục truyền thống đi chợ, đi lễ hội, đi đám cưới… Phụ nữ của mỗi dân tộc đều có vẻ đẹp, mang đặc trưng riêng và tôi đều cảm nhận được, tôi cũng cố gắng truyền tải điều đó trong tác phẩm của mình. Các nhân vật trong tranh hầu hết là tôi đều vô tình gặp gỡ rồi sẽ tưởng tượng lại và vẽ. Tôi cũng muốn là thông qua các bức tranh, người xem sẽ thấy được nét đẹp của trang phục truyền thống và chủ động tìm hiểu về nó, ví dụ như tại sao cô dâu người Dao đỏ lại trùm khăn đẹp thế trong ngày cưới; tại sao cô gái dân tộc Mông lại yêu thích những hạt cườm lấp lánh…
Có thể thấy, với tình yêu quê hương đất nước và sức sáng tạo không ngừng, các hoạ sĩ đã góp phần đưa hình ảnh dịu dàng, thân thuộc của phụ nữ vùng cao trở nên toả sáng, ấn tượng và thu hút thông qua các tác phẩm nghệ thuật. Từ đó góp phần quảng bá, tạo sức hút cho du lịch Bắc Kạn./.