Căn cứ nhu cầu đăng ký và tình hình thực tế của người dân tại các xã, phường trên địa bàn, năm 2024, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Bắc Kạn xây dựng kế hoạch và phối hợp tổ chức 07 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, bao gồm: 02 lớp pha chế đồ uống và 01 lớp chế biến món ăn tại xã Dương Quang; 01 lớp pha chế đồ uống (phường Xuất Hóa); 01 lớp pha chế đồ uống và 01 lớp chế biến món ăn tại phường Huyền Tụng; 01 lớp chế biến món ăn tại phường Sông Cầu.
Bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Bắc Kạn cho biết: "Các lớp đào tạo nghề này được tổ chức theo nhu cầu, đăng ký của người lao động. Trong thời gian học, học viên được hưởng các chế độ, chính sách hỗ trợ theo quy định, khi kết thúc khóa học được đơn vị đào tạo cấp chứng chỉ, đây là một trong những yếu tố quan trọng giúp người lao động có thể xin vào làm việc tại các cơ sở sản xuất, dịch vụ theo ngành nghề được đào tạo".
Tham gia lớp đào tạo "Pha chế đồ uống" do Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Bắc Kạn phối hợp tổ chức, chị Âu Thị Loan ở tổ 4, phường Xuất Hóa cho biết: "Gia đình đang kinh doanh cửa hàng đồ uống nên khi biết thông tin tôi đã đăng ký theo học. Tôi mong muốn sẽ tiếp cận được nhiều kiến thức về lựa chọn nguyên liệu, cách thức pha chế, trình bày... sao cho ngon, bảo đảm vệ sinh, hấp dẫn để phục vụ nhu cầu của mọi người".
Cũng giống như vậy, chị Ma Thị Huệ, thôn Bản Pẻn, xã Dương Quang đang tham gia lớp đào tạo "Pha chế đồ uống" tổ chức tại địa phương cho biết, tham gia lớp đào tạo nghề này trước hết để có thêm kiến thức, kinh nghiệm pha chế. Tiếp đó là phục vụ nhu cầu của gia đình và có thể sẽ tính tới việc mở dịch vụ hoặc xin việc để có thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Trong chương trình học do Công ty TNHH Trung tâm Đào tạo Hitech Hà Nội triển khai tại TP. Bắc Kạn năm 2024, về pha chế đồ uống, nội dung chính gồm 02 mô-đun "Tổng quan nghiệp vụ pha chế đồ uống", "Kỹ thuật pha chế đồ uống"; về chế biến món ăn cũng gồm 02 mô-đun "Kiến thức chung về chế biến món ăn", "Kỹ thuật chế biến món ăn". Phần lớn thời gian học sẽ dành cho hoạt động thực hành.
ThS. Lương Thị Hát – Giảng viên giảng dạy lớp đào tạo nghề "Pha chế đồ uống" tổ chức tại xã Dương Quang cho biết: Nội dung của lớp học dành nhiều thời gian cho thực hành. Vì thế, sau khi học xong các học viên đều thành thạo pha chế nhiều loại đồ uống khác nhau, từ cơ bản đến nâng cao...
Thực tế, các lớp đào tạo nghề đều hướng đến mục tiêu chung là từng bước làm thay đổi nhận thức, hỗ trợ người dân tìm kiếm hoặc tự tạo việc làm, nâng cao thu nhập để góp phần giảm nghèo bền vững. Theo kết quả sơ bộ rà soát, năm 2024, số hộ nghèo của TP. Bắc Kạn giảm từ 241 hộ (1,96%) xuống còn 217 hộ (1,74%), vượt chỉ tiêu đề ra. Kết quả này có một phần đóng góp của công tác đào tạo nghề triển khai trước đó.
"Với chức năng, nhiệm vụ được giao, chuyên môn đã và sẽ chủ động xây dựng kế hoạch, tham mưu với UBND TP. Bắc Kạn trong tổ chức thực hiện. Đồng thời, phối hợp với đơn vị có năng lực, có kinh nghiệm để đào tạo nghề cho người lao động nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân", bà Đinh Thị Liễu, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Bắc Kạn cho biết thêm./.