Nhân kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2024):

Trách nhiệm xã hội của người làm báo

BBK - Làm bất cứ nghề nghiệp gì thì điều quan trọng đầu tiên mà người ta cần có, đó là đạo đức nghề nghiệp. Đối với người cầm bút, đạo đức, trách nhiệm xã hội không chỉ là đấu tranh với cái xấu, tiêu cực mà còn là lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

z4014076137842_c870032b64708bf0c2fb2b9fbb2b4649.jpg
Phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn tác nghiệp tại cơ sở.

Truyền cảm hứng tích cực

Năm 2023, trong chuyến công tác ở cơ sở vô tình nghe được câu chuyện bên lề người dân nhỏ to với nhau: “Nhà ông Thái nghèo thế mà vẫn hiến nhiều đất làm đường, ngưỡng mộ quá”. Nắm bắt được đề tài hay, nhà báo La Trần Vân Đoan, Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn tức tốc cùng ê-kíp về Pác Thiên, xã Nguyên Phúc (Bạch Thông) để mắt thấy, tai nghe chuyện nhà nông nghèo hy sinh lợi ích cá nhân vì cộng đồng. Vợ chồng ông Đoàn Văn Thái đều đã ngoài 60 tuổi cùng với giao thông trở ngại là lý do khiến cho cuộc sống gia đình ông và nhiều hộ dân trong thôn còn khó khăn. Vì thế khi cấp trên có chủ trương làm đường nội thôn, gia đình ông Thái đã xung phong hiến hơn 1.000m2 đất đồi, vườn với suy nghĩ : “Hôm nay mình hiến đất, mai sau có đường đi thuận lợi, cuộc sống của gia đình và bà con trong thôn sẽ tốt đẹp hơn”.

Sau khi phóng sự về việc lão nông nghèo vùng cao tình nguyện hiến đất làm đường phát sóng đã tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội. Tiếp nhận thông tin từ báo chí, các cấp, ngành đã kịp thời có hình thức khen thưởng, động viên, khích lệ tinh thần vì cộng đồng của gia đình ông Thái. Quan trọng hơn, từ gương của gia đình ông Thái đã giúp địa phương dễ dàng hơn trong việc tuyên truyền, vận động để huy động sức dân xây dựng nông thôn mới. Một số hộ dân trước đó không đồng ý hiến đất để làm đường nội thôn Pác Thiên sau đó đã thay đổi suy nghĩ và làm theo ông Thái.

Xuất phát từ việc muốn mang sự thật đến khán giả, những tháng đầu năm 2023, khi chủ trương làm đường nông thôn mới ở xã Bình Trung (Chợ Đồn) triển khai, ê-kíp phóng viên Minh Tấm – Thành Luân (Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn) đã bám sát công tác tuyên truyền của Bí thư Chi bộ Chú Seo Cáng vận động Nhân dân hiến đất làm đường. Những buổi tuyên truyền có khi là họp thôn, hoặc cũng có thể là những buổi tối tranh thủ bà con ở nhà, ê-kíp phóng viên đều bám sát. 08 tháng lăn lộn tại cơ sở để có “đứa con tinh thần” không chỉ cho thấy sự tâm huyết với nghề mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội của người làm báo của ê-kíp.

“Khi thực hiện phóng sự này chúng tôi thấy mình trưởng thành hơn trong nghề nghiệp và thấy vui vì đã góp phần lan tỏa gương tốt, việc tốt trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi”.

Xông xáo đi vào cuộc sống

Báo chí không chỉ thông tin, tuyên truyền mà còn định hướng dư luận xã hội. Người làm báo phải đi nhiều, hiểu nhiều, không ngừng học hỏi, trau dồi để cho ra đời những tác phẩm mang hơi thở cuộc sống, đầy trách nhiệm với xã hội. Và, chuyện “được đi” đối với những người làm báo không chỉ đơn thuần là trách nhiệm mà còn là sự thôi thúc tự thân.

Loạt bài phóng sự 04 kỳ đạt giải A, Giải báo chí tỉnh Bắc Kạn lần thứ X của tác giả Phương Thảo, Phó Trưởng phòng Kinh tế, Báo Bắc Kạn: Gánh nặng “mang tiền về cho cha mẹ” được Ban giám khảo, đồng nghiệp và bạn đọc đánh giá cao về nội dung, cách thể hiện cũng như vấn đề xã hội mà bài báo đặt ra. Với đề tài này, nhà báo Phương Thảo đã tâm huyết theo đuổi thực hiện và mong muốn đóng góp tiếng nói kêu gọi sự quan tâm của cấp, ngành, nhà trường cùng chung tay tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi nhận thức, trách nhiệm của các bậc cha mẹ vùng cao về chuyện học tập của con em mình.

Nhà báo Phương Thảo cho rằng: “Muốn thu hút được độc giả thì mỗi bài báo phải mang hơi thở của cuộc sống, phản ánh được những vấn đề dư luận quan tâm. Hành trình ấy đòi hỏi mỗi phóng viên cần trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng, bản lĩnh và đặc biệt là phải yêu nghề, dấn thân với nghề”.

Chưa đầy 01 tháng (từ ngày 21/5 – 18/6/2024) trên địa bàn tỉnh xảy ra 02 vụ sạt lở đất nghiêm trọng cướp đi sinh mạng của 07 người dân ở xã Hiệp Lực (Ngân Sơn) và Nghiên Loan (Pác Nặm). Không quản gian nan, vất vả, nguy hiểm, phóng viên của các cơ quan báo chí lập tức có mặt đưa tin phản ánh nỗ lực tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn của lực lượng chức năng và người dân, cũng như sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Chia sẻ về trách nhiệm xã hội của nhà báo, đồng chí Lục Đại Lượng, Phó Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình Bắc Kạn, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh cho biết: “Báo chí cách mạng có vai trò tuyên truyền các đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, đồng thời nhân rộng ra toàn xã hội những cái hay, những nhân tố mới, điển hình; phê phán những hành vi sai trái, lệch lạc trong xã hội. Để thực hiện nhiệm vụ, đòi hỏi những người làm báo của Bắc Kạn phải luôn trau dồi đạo đức nghề nghiệp, bản lĩnh chính trị, nghiệp vụ chuyên môn, nêu cao trách nhiệm với nghề, với xã hội”./.

Xem thêm