Trận Công đồn Phủ Thông – vang mãi bản hùng ca

BBK - 75 năm trôi qua, Trận công đồn Phủ Thông đã đi vào lịch sử như một niềm tự hào của Nhân dân các dân tộc tỉnh Bắc Kạn nói chung và huyện Bạch Thông nói riêng; là bản hùng ca vang mãi để lớp lớp thế hệ trẻ tiếp bước cha anh phát huy truyền thống cách mạng, góp sức dựng xây quê hương.
Ông Nguyễn Quân, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bắc Kạn kể lại hồi ức Trận công đồn Phủ Thông.

Ông Nguyễn Quân, nguyên Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Bắc Kạn kể lại hồi ức Trận công đồn Phủ Thông.

“Thời điểm diễn ra trận đấu, đơn vị tôi được giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức phục kích đánh chặn địch từ Nà Phặc xuống và từ Bắc Kạn lên. Lúc bấy giờ, chúng tôi tham gia phục kích chặn địch từ hướng Bắc Kạn lên, có nghe tiếng pháo nổ, vừa căng thẳng, vừa lo lắng. Biết rằng đồng đội đang xông pha vào trận, chúng tôi ở đây cũng sẵn sàng, quyết tâm không để địch đưa quân lên tiếp viện”, ông Nguyễn Quân (nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn 55, thuộc Trung đoàn 72) bồi hồi nhớ lại.

Trong ký ức của người cựu chiến binh 92 tuổi đời, Trận công đồn Phủ Thông mãi mãi là niềm tự hào của những người lính tham gia chiến trận, là bản hùng ca bất hủ của quê hương Bắc Kạn.

Một góc nhà truyền thống Di tích lịch sử Đồn Phủ Thông.

Một góc nhà truyền thống Di tích lịch sử Đồn Phủ Thông.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Bắc Kạn là căn cứ địa kháng chiến, vùng trọng điểm trong các kế hoạch tấn công lên Việt Bắc của thực dân Pháp. Tháng 10/1947, quân đội viễn chinh Pháp nhảy dù xuống thị xã Bắc Kạn (nay là thành phố Bắc Kạn), mở màn chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông năm 1947.

Ngày 15/10/1947, chúng tiến quân lên chiếm đóng, xây đồn kiên cố trên một mỏm đồi tại khu vực núi Nà Cọt, thị trấn Phủ Thông nhằm khống chế và tiêu diệt lực lượng của ta. Đây là một vị trí quan trọng trong hệ thống phòng thủ của địch, là tiền tiêu phía Bắc thị xã, bảo vệ hành lang trên 2 trục đường: Bắc Kạn - Ngân Sơn, Cao Bằng và Bắc Kạn - Chợ Rã (Ba Bể).

Dấu tích tường đồn Phủ Thông.

Dấu tích tường đồn Phủ Thông.

Thấy rõ được vị trí chiếm đóng và sự bố trí kiên cố của lực lượng địch tại Đồn Phủ Thông, ngày 08/10/1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi bộ đội, dân quân, du kích và toàn thể đồng bào ra sức tiêu diệt địch. Phát huy khí thế tiến công địch, tại đồn Phủ Thông đã liên tiếp xảy ra những trận công đồn. Trận tập kích lần thứ nhất diễn ra vào đêm 30/11/1947. Trận tập kích lần thứ hai diễn ra vào đêm 12/3/1948.

Đêm 25/7/1948, quân và dân trong tỉnh nói chung, huyện Bạch Thông nói riêng, phối hợp tích cực với Tiểu đoàn bộ binh 11 (Trung đoàn 308), Tiểu đoàn 55 (Trung đoàn 72) và một đại đội của Tiểu đoàn pháo binh 410 tăng cường đánh Đồn Phủ Thông lần 3 để thực hiện mục đích chiến dịch và phương pháp cường tập. Đây là trận đánh có quy mô lớn nhất do Bộ Tổng chỉ huy chỉ đạo. Trận đánh đã làm rung chuyển hệ thống đồn bốt của địch, đánh mạnh vào chiến thuật lập hệ thống đồn bốt để bình định vùng chiếm đóng, tạo sức ép góp phần vào việc bức địch rút khỏi thị xã Bắc Kạn.

Chiến thắng Phủ Thông là sự kiện lịch sử có ý nghĩa rất quan trọng, là bước phát triển mới về chiến thuật quân sự, đánh dấu bước trưởng thành và phát triển của quân đội ta về khả năng tác chiến và phương pháp tác chiến.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh giá: “Chiến thắng Phủ Thông là trận đầu tiên của bộ đội ta tiêu diệt đại đội tăng cường tinh nhuệ của Pháp phòng ngự với công sự vững chắc. Chiến thắng đã mang lại niềm tin và kinh nghiệm, có cống hiến lớn cho bộ đội ta tiến công lên con đường đánh công kiên, đặc biệt là Chiến dịch giải phóng biên giới và trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, nói chung trong cả 30 năm kháng chiến”.

Ngày 27/3/1998, Đồn Phủ Thông được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là một trong những địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc.

Hướng tới Kỷ niệm 75 năm Trận công đồn Phủ Thông, những ngày này, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Bạch Thông đang ra sức thi đua, chuẩn bị chu đáo cho sự kiện ý nghĩa diễn ra trong tháng 7 lịch sử.

Theo đồng chí Đỗ Thị Hiền, Bí thư Huyện ủy Bạch Thông: Từ ngày 15/5 - 20/7/2023, huyện phát động đợt thi đua cao điểm hưởng ứng kỷ niệm 75 năm trận Công đồn Phủ Thông gắn với nhiệm vụ chính trị của địa phương. Chỉ đạo các chi, đảng bộ trực thuộc Huyện ủy, các phòng, ban, ngành, đoàn thể huyện, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa lịch sử Trận công đồn Phủ Thông...

Lãnh đạo huyện Bạch Thông phát động Cuộc thi "Tìm hiểu lịch sử 75 năm trận công đồn Phủ Thông"

Lãnh đạo huyện Bạch Thông phát động Cuộc thi "Tìm hiểu lịch sử 75 năm trận công đồn Phủ Thông"

Vừa qua, Bạch Thông đã tổ chức Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu lịch sử 75 năm trận Công đồn Phủ Thông (25/7/1948 - 25/7/2023)”. Hiện nay, huyện đang khẩn trương chuẩn bị nhiều hoạt động ý nghĩa như: Dâng hương Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh Bắc Kạn; Đồn Phủ Thông và Lễ kỷ niệm 75 năm Trận công đồn Phủ Thông dự kiến diễn ra vào ngày 24/7; chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 75 năm Trận công đồn Phủ Thông với chủ đề “Bạch Thông vang mãi bài ca chiến thắng” và các hoạt động thể dục, thể thao sôi nổi.

Hoạt động trưng bày, giới thiệu hiện vật tại nhà truyền thống Di tích lịch sử Đồn Phủ Thông cũng diễn ra thường xuyên trong dịp này để tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, khơi dậy lòng tự hào, nâng cao nhận thức bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, di tích lịch sử trên địa bàn./.

Xem thêm