Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ xây dựng mô hình sản xuất lê VH6 tại thôn Đèo Gió, xã Vân Tùng (Ngân Sơn) bước đầu mang lại những tín hiệu vui, mở ra triển vọng xây dựng cây trồng đặc sản gắn với phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp tại địa phương.
Ứng dụng kỹ thuật
Huyện Ngân Sơn có hơn 33ha diện tích trồng cây lê, chủ yếu là giống lê địa phương, trong đó diện tích cho thu hoạch chỉ khoảng 2ha. Qua đánh giá thực tế, người dân chưa chú trọng chăm sóc nên nhiều cây đã già cỗi, phát triển kém, năng suất không cao. Vì vậy, năm 2017 Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Trung tâm Đào tạo, nghiên cứu giống cây trồng và vật nuôi (Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên) triển khai dự án “Ứng dụng khoa học và công nghệ sản xuất lê tại Bắc Kạn” ở thôn Đèo Gió với diện tích 3ha, gồm 4 hộ tham gia.
Cán bộ dự án hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại quả lê. |
Giống lê được trồng theo dự án là VH6, trồng xen giống lê nâu bản địa được nhân giống từ cây trội, chọn lọc tại địa phương. Tham gia dự án, các hộ dân được hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc lê; hằng năm được cấp phát phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dây vít cành theo đúng quy trình kỹ thuật; thường xuyên kiểm tra phát hiện phòng trừ sâu bệnh, bón phân 3 – 4 lần kết hợp xới xáo, làm cỏ xung quanh gốc; cắm cọc định cây mọc thẳng đứng, cắt tỉa cành tăm, cành thấp tạo bộ khung tán, tiến hành vít cành tạo tán vào cuối năm khi cây rụng lá… Trong quá trình đợi cây lê phát triển khép tán, các hộ dân trồng xen cây đậu tương, các loại bí quả, gừng… có tác dụng không tranh ánh sáng, dinh dưỡng với cây lê, giữ ẩm, hạn chế cỏ dại, tránh xói mòn và có nguồn thu nhập.
Cây lê 3 năm tuổi bắt đầu ra hoa, bói những quả đầu tiên nhưng phải cắt bỏ quả để dưỡng cây. Bước sang năm thứ 4, cây lê VH6 đều có tỷ lệ ra hoa, đậu quả cao, trung bình 20 – 50 quả/cây. Giống lê VH6 có ưu điểm là hoa ra muộn hơn đào và mận nên có thể tránh được thời điểm rét đậm trong mùa đông, thời gian thu hoạch vào tháng 7 (sau khi thu hoạch đào, mận) và chín trước lê địa phương khoảng 1 tháng nên rất thuận lợi cho việc tiêu thụ.
Giáo sư, Tiến sĩ Đào Thanh Vân- Chủ nhiệm dự án cho biết: "Theo truyền thống, người dân trồng lê để phát triển tự nhiên, cây cao nên việc chăm sóc hay thu hái quả đều gặp khó khăn, sai quả nhưng quả nhỏ, tính ra giá trị kinh tế không cao. Sau thu hoạch, không chăm sóc cây lê sẽ bị suy kiệt, ra quả cách năm nên cần bón phân dưỡng cây, cắt tỉa cành vượt…Vì vậy, khi tham gia dự án người dân được áp dụng quy trình kỹ thuật canh tác từ vít cành, tạo tán, tỉa hoa, bọc quả, bón phân… nên quả to, mẫu mã đẹp. Hơn 48 tháng triển khai dự án, qua đo lường và thử nếm, giống lê VH6 có chất lượng hơn hẳn giống lê địa phương, thịt quả mềm, mọng nước, ngọt thanh mát, không có vị chát, không hóa nâu như giống lê địa phương, khối lượng khoảng 300g/quả, độ brix từ 12 – 15%. Từ kết quả này có thể nhân rộng trồng ở những nơi có khí hậu tương tự".
Hiệu quả kinh tế bước đầu
Gia đình ông Hoàng Văn SLín là một trong 4 hộ tham gia dự án trồng lê với diện tích 1,7ha, trong đó lê VH6 là 1ha. Do có sự đầu tư chăm sóc theo đúng quy trình kỹ thuật nên vườn lê của gia đình ông phát triển tốt, dù mới là vụ thứ 2 bói quả nhưng đã có tín hiệu vui bởi quả to, đẹp mã, ngọt. Ông SLín chia sẻ: Ban đầu trồng do không tuân thủ kỹ thuật nên cây chậm lớn, sang năm thứ 2 với sự hỗ trợ trực tiếp của cán bộ dự án “cầm tay chỉ việc”, cây lớn nhanh. Đến năm thứ 3 nhiều cây cho hoa nhưng chỉ để ít quả bởi cây còn nhỏ. Vụ năm nay, mỗi cây tôi để khoảng 20 quả, sản lượng đạt hơn 2 tạ, giá bán 40.000 – 50.000 đồng/kg. Sau thu hoạch, tôi tiếp tục cắt tỉa cành, bón phân để dưỡng cây và vít cành để dễ chăm sóc, thu hái. Khoảng cách giữa các cây lê khá rộng nên khi cây còn nhỏ, gia đình tôi trồng xen canh cây trồng ngắn ngày khác, vừa tăng thu nhập, vừa thuận lợi chăm sóc, phát hiện sâu bệnh ở cây lê.
Cây lê VH6 bốn năm tuổi của gia đình ông Hoàng Văn SLín. |
Mật độ trồng lê VH6 là 400 cây/ha, chu kỳ kinh doanh ổn định từ 15 – 20 năm, năng suất quả bình quân đạt 50 - 60kg/cây. Cây càng lớn thì sản lượng càng cao và phụ thuộc vào sự chăm sóc có thể đạt năng suất quả hơn 1 tạ/cây. Tại những nơi khí hậu phù hợp, đất tốt, cây lê có thể có tuổi thọ trên 50 năm. Với giá bán 30.000 – 50.000 đồng/kg, giá trị thu được hơn 2 triệu đồng/cây, bình quân đạt 320 - 400 triệu đồng/ha/năm.
Định hướng phát triển
Lê là cây ôn đới, có chu kỳ kinh doanh kéo dài, rụng lá hằng năm vào mùa đông. Cây ra hoa, kết trái cần có một thời gian nhiệt độ lạnh để phân hóa mầm hoa nên không phải ở đâu cũng trồng được.
Thôn Đèo Gió có độ cao hơn 800m so với mực nước biển, quanh năm thời tiết ẩm, sương mù, mát mẻ rất phù hợp để phát triển cây lê VH6, đặc biệt có lợi thế là điểm dừng chân trên tuyến Quốc lộ 3. Kết quả ban đầu từ dự án cây lê VH6 sẽ mở ra hướng phát triển du lịch trải nghiệm cho địa phương này. Bởi nếu hình thành vùng trồng lê tập trung, khi mùa hoa nở trắng tinh sẽ rất thu hút du khách đến chụp ảnh, tham quan. Ngoài ra, đường giao thông được đầu tư đồng bộ tạo điều kiện thuận lợi cho khách du lịch đến trải nghiệm, hái quả trực tiếp khi mùa quả chín, đây cũng là cách giúp người dân tiêu thụ, quảng bá sản phẩm.
Năm 2021, huyện Ngân Sơn xây dựng đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh huyện Ngân Sơn, giai đoạn 2021 – 2025” trong đó chú trọng phát triển cây lê, cây đào tại khu vực thôn Đèo Gió, để tạo nên những vườn hoa đào, hoa lê mỗi dịp xuân về phục vụ du khách tham quan, ngắm cảnh. Bên cạnh đó, các hộ dân sinh sống ở đây phần lớn là đồng bào dân tộc Dao với bản sắc văn hóa phong phú, có các bài thuốc dân gian cần được khai thác để phục vụ du khách… Qua rà soát, thống kê, diện tích trồng lê trong giai đoạn này tại các xã trên địa bàn có khoảng 64ha.
Đồng chí Phạm Kim Hiểu- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngân Sơn cho biết: Trên địa bàn huyện đã có cây lê được Sở Nông nghiệp & PTNT tỉnh công nhận là cây đầu dòng, có cơ sở sản xuất cây giống tại địa phương nên chủ động được nguồn giống. Trong thời gian tới, Phòng tiếp tục phối hợp cùng với các xã tuyên truyền nhân rộng mô hình trồng lê; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật; sử dụng nguồn lực từ nhiều chương trình hỗ trợ giống, phân bón; hỗ trợ thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để nâng cao giá trị sản phẩm, hướng tới quả lê được công nhận là sản phẩm OCOP.
Khai thác lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng lê không chỉ góp phần giúp người dân từng bước nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái phát triển bền vững mà còn thay đổi lối canh tác truyền thống để xây dựng thương hiệu sản phẩm. Với hiệu quả bước đầu từ cây lê VH6 và kế hoạch cụ thể trong phát triển, hình thành vùng cây ăn quả đặc sản gắn với du lịch sẽ góp phần giúp Ngân Sơn đạt mục tiêu thoát khỏi huyện nghèo vào năm 2025./.
Hà Nhung