Đó là bài thơ được tác giả Văn Lợi sáng tác khi lắng nghe câu chuyện về liệt sĩ Nguyễn Văn Thoát, người con của xã Nông Thượng (thành phố Bắc Kạn). Bài thơ dạt dào cảm xúc, trong trẻo và tràn đầy tình yêu quê hương, đất nước như tấm lòng của anh lính trẻ mãi mãi tuổi xuân.
Tác giả Văn Lợi. |
“Có một người con quê Bắc Kạn
Yên nghỉ cùng đồng đội trong nghĩa trang Trường Sơn
Một nén hương một tấm lòng quê hương
Xin thắp lên nỗi niềm thương nhớ…”
Ngay từ những vần thơ đầu tiên, người đọc đã trào dâng cảm xúc khi đến với “Nghĩa trang Trường Sơn”, ở đó có một người con của Bắc Kạn nằm lại dưới mái nhà chung anh hùng. Lặng yên trước bia đá, người đồng hương thắp một nén hương tưởng nhớ và dành vài phút dừng bước trò chuyện với anh lính trẻ…
Theo dòng xúc cảm, tác giả Văn Lợi như thủ thỉ, tâm sự với một người bạn đã mấy chục năm không về quê. Rằng quê mình giờ đã đổi thay, đời sống khác rồi, nhưng mỗi mùa vải ngọt, tiếng chim po hối vẫn da diết, xót xa “pò ơi” (cha ơi) như nhắc nhở mãi nhớ về “người đã khuất nơi xa”. Dù bao năm trôi qua, đỉnh Khau Dạ vẫn quấn vành mây trắng, nơi anh sinh ra Nà Vịt, Nà Chuông hai sương một nắng giờ đã ấm no thóc lúa, đèn điện sáng từng nhà.
Thời gian trôi nhanh, liệu người ở mãi tuổi xuân xanh có nhớ:
“Ngày anh đi cả bản tiễn đưa
Nỗi nhớ nụ cười nặng trĩu ba lô
Biết đâu mãi đi không ngày trở lại
Cả quê hương nước mắt chảy trong lòng
Đất Nông Thượng đã có người anh hùng
Nguyễn Văn Thoát không bao giờ mất”
Thời gian như quay trở lại với hình ảnh anh lính trẻ khoác balo lên đường nhập ngũ. Buổi chia tay nào cũng có cả nụ cười và nước mắt, nhưng đó là vinh dự, tự hào, là lời chúc gửi người dũng cảm. Chiến tranh khốc liệt, dù mang theo cả lời dặn bình an cũng không tránh khỏi bom rơi đạn lạc. Các anh nằm xuống cho Tổ quốc hôm nay vươn mình đứng dậy.
Với nỗi xúc động khi gặp lại một người con của quê hương, tác giả Văn Lợi đã viết bài thơ “Trong nghĩa trang Trường Sơn” bằng thể thơ tự do, ngôn ngữ gần gũi, mang đậm dấu ấn nơi nhân vật sinh ra. Không khó để nhận thấy những hình ảnh quen thuộc như: Mùa vải, chim po hối, Nà Vịt, Nà Chuông… Mỗi từ nhắc đến, người đọc lại thêm xúc động, khung cảnh vẫn còn đó, người năm xưa tiễn anh vẫn ngóng đợi, chỉ có người lính mãi mãi ở lại với Trường Sơn.
Trong bài thơ, tác giả ít nhắc đến nỗi nhớ của người thân trong gia đình mà luôn nhấn mạnh về sự thương nhớ, xót xa của quê hương. Khi những vần thơ cuối cùng kết thúc, độc giả không chỉ nhớ liệt sĩ Nguyễn Văn Thoát mà còn ngậm ngùi nghĩ về biết bao người con ưu tú đã dâng hiến cả xương máu, tuổi trẻ để có hòa bình ngày hôm nay.
Có thể nói, bài thơ “Trong nghĩa trang Trường Sơn” như một lời nhắn gửi độc giả về sự hy sinh quên mình của các Anh hùng liệt sĩ. Dù bao năm tháng đi qua, đổi thay thế nào thì đất và người Bắc Kạn vẫn luôn tự hào về các anh.../.
Bích Phượng