Bộ Y tế kiểm tra triển khai ứng dụng công nghệ thông tin quản lý khám bệnh, chữa bệnh và giám định tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Kạn. |
Hiện nay, Bệnh viện Đa khoa tỉnh khai nhiều phần mềm quản lý, trong đó hệ thống quản lý tổng thể Bệnh viện quản lý việc tiếp nhận bệnh nhân, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, dược, thanh quyết toán bảo hiểm y tế. Cùng với trang bị Kiosk lấy số tự động trong quy trình đăng ký khám bệnh; triển khai đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn triển khai thí điểm tiếp đón bệnh nhân bằng căn cước công dân gắn chíp...
Việc sử dụng các phần mềm trong quản lý giúp Bệnh viện thuận lợi hơn trong quản lý số lượng bệnh nhân đến đăng ký khám, chữa bệnh, thống kê cận lâm sàng. Đối với bệnh nhân, thay vì phải nộp sổ cho nhân viên tiếp nhận rồi chờ đợi lấy số thứ tự khám bệnh như trước kia, hiện nay đến khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh có thể đăng ký trực tuyến hoặc lấy số tự động và chờ tuần tự đến lượt vào đăng ký tại quầy đón tiếp. Qua đó, giúp đơn giản hóa các thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chờ đợi của người bệnh và giảm áp lực cho cán bộ y tế.
Năm 2022, Bệnh viện cũng ứng dụng công nghệ thông tin trong thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. Triển khai việc tiếp nhận thông tin bệnh nhân phục vụ khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chíp. Với việc ứng dụng công nghệ thông tin vào thanh toán viện phí và khai thác thông tin bệnh nhân qua căn cước công dân gắn chíp tại Bệnh viện giúp giảm thời gian chờ đợi cho người bệnh, giảm tải cho đội ngũ y, bác sĩ, hạn chế được các giấy tờ, thủ tục không cần thiết, không phải chờ đợi lâu, từ đó góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
Thực hiện Đề án khám, chữa bệnh từ xa giai đoạn 2020 - 2025, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã đầu tư hệ thống Telemedicine phục vụ hoạt động khám chữa bệnh từ xa và hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến kết nối toàn ngành Y tế. Hệ thống Telemedicine kết nối với các bệnh viện tuyến trên như: Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên… để hội chẩn những ca bệnh khó, phức tạp chưa thực hiện được.
Qua triển khai, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã tham gia, tiến hành hội chẩn, thực hiện mổ, siêu âm nhiều ca qua hệ thống cầu truyền hình với điểm cầu tuyến trên. Hệ thống này đưa vào hoạt động giúp giảm chi phí cho người bệnh và giúp nâng cao năng lực chuyên môn cho y, bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Tuy nhiên, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khám chữa bệnh và thanh toán không dùng tiền mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh vẫn còn một số hạn chế như: Tỷ lệ bệnh nhân thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại Bệnh viện còn thấp (năm 2022 mới đạt khoảng 2%), số tiền thu qua chuyển khoản cũng chỉ chiếm khoảng 5% số thu. Từ tháng 8/2022 đến hết năm 2022, Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiếp nhận 5.727 lượt bệnh nhân sử dụng căn cước công dân để tra cứu thông tin phục vụ khám, chữa bệnh, nhưng chỉ có 2.393 lượt bệnh nhân thành công, chiếm gần 42% trong tổng số bệnh nhân dùng căn cước công dân gắn chíp được tra cứu thông tin thành công.
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Trần Văn Tuyến cho biết: Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, khám chữa bệnh và thanh toán không dùng tiền mặt, phấn đấu đến năm 2025, Bệnh viện Đa khoa tỉnh sẽ triển khai nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và bảo đảm hạ tầng công nghệ thông tin có đủ công suất, băng thông, chất lượng, độ ổn định, khả năng dự phòng, bảo mật, an toàn để vận hành các phần mềm. Trước mắt, trong năm 2023, Bệnh viện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền bệnh nhân thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; tích cực sử dụng căn cước công dân gắn chíp phục vụ khai thác bệnh án điện tử để phục vụ khám, chữa bệnh hiệu quả./.
Việt Bắc