Thời gian qua tình trạng thiếu vác xin tiêm phòng dại khiến nhiều người dân bức xúc khi không may bị chó, mèo cắn. Đến thời điểm ngày 24/5/2018, tình trạng thiếu vác xin phòng dại đã được khắc phục.
Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đang tiêm vác xin phòng dại cho người dân |
Theo đồng chí Nguyễn Đình Học- Giám đốc Sở Y tế: Tình trạng khan hiếm vác xin tiêm phòng dại diễn ra trên toàn quốc. Thời gian qua, ngành y tế đã chủ động liên hệ trên toàn quốc tìm những địa chỉ còn thuốc để hướng dẫn người dân đến tiêm phòng. Ngành chỉ đạo các tuyến cơ sở, Trạm y tế các xã, phường chủ động hướng dẫn người dân đến các địa điểm còn có vác xin để người dân được tiêm dịch vụ. Đến thời điểm hiện nay Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã nhập được khoảng 300 liều vác xin tiêm phòng dại, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Tiến Tôn- Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết: Đến nay trên địa bàn cả tỉnh chưa ghi nhận trường hợp nào tiêm phòng bệnh dại đủ mũi và đúng lịch mà tử vong do dại. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt vắc xin dại trong toàn quốc do nguồn cung thiếu đã và đang gây ảnh hưởng đến việc điều trị dự phòng bệnh dại.
Chị Nguyễn Thị Hoa, Phường Sông Cầu, TP Bắc Kạn cho biết: Con nhà chị không may bị chó cắn khi đi học về, không biết thông tin về chủ nuôi chó và con chó đó được tiêm phòng hay chưa, chị đưa con lên Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh. Rất may khi đến Trung tâm dưới sự hướng dẫn tận tình và xử lý kịp thời của các bác sĩ, con chị đã được tiêm phòng.
Theo giới chuyên môn cho biết, bệnh dại hiện vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên việc sử dụng vắc xin dại và huyết thanh kháng dại kịp thời sau khi bị phơi nhiễm là biện pháp điều trị dự phòng duy nhất để cứu người bị động vật cắn thoát khỏi bệnh dại. Trước tình hình khan hiếm vac xin, Chương trình Quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại trên người (Bộ Y tế) và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã hướng dẫn cụ thể cho hệ thống y tế dự phòng tuyến dưới nhằm bảo đảm tối đa số người bị động vật cắn được điều trị dự phòng bệnh dại. Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền hướng dẫn người dân xử trí vết thương đúng cách khi bị chó, mèo cắn; theo dõi sức khỏe của động vật cắn và đến các phòng tiêm dịch vụ để được tư vấn cụ thể, kể cả trường hợp hết vác xin.
Ngành y tế khuyến cáo, người dân cần hạn chế tối đa việc tiếp xúc với chó, mèo; nuôi, nhốt chó, mèo, khi chó ra đường cần rọ mõm… đồng thời đưa vật nuôi đi tiêm phòng dại để chủ động phòng ngừa cho mình và những người xung quanh./.
Hồng Hạnh