Trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Bắc Kạn, sáng 28/4, Đoàn công tác của Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam có chuyến khảo sát thực tế tìm hiểu về thực trạng hoạt động sản xuất chế biến nông sản, dược liệu tại huyện Ba Bể.
Đoàn công tác của Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam thăm HTX Nhung Lũy, xã Yến Dương (Ba Bể). |
Đoàn công tác đã đến thăm mô hình Hợp tác xã Nhung Lũy, ở xã Yến Dương (Ba Bể). Đây là một trong những mô hình HTX hoạt động khá hiệu quả của huyện thời gian qua với các sản phẩm truyền thống như: Lạp sườn gác bếp, thịt lợn treo gác bếp, gạo nếp, bí thơm Ba Bể, trà giảo cổ lam, mướp đắng rừng, mác mật khô...
Các sản phẩm được sản xuất bằng 100% nguyên liệu địa phương, được HTX ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và chế biến nên có chất lượng tốt, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, HTX có một số sản phẩm được xếp hạng OCOP 3 sao và sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh.
Tại buổi làm việc, HTX kiến nghị với Đoàn công tác, qua chuyến khảo sát này dành sự quan tâm hơn nữa đối với hoạt động của HTX toàn tỉnh nói chung và HTX Nhung Lũy nói riêng trong việc hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, giao thông, công nghệ chế biến, tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm...
Đoàn công tác của Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Việt Nam khảo sát quy trình sản xuất sản phẩm nông sản tại một số HTX trên địa bàn huyện Ba Bể. |
Sau khi khảo sát thực tế tại huyện Ba Bể, Đoàn công tác của Văn phòng Cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc đánh giá mô hình hợp tác xã mà tỉnh Bắc Kạn đang áp dụng để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp trong chuỗi giá trị là rất phù hợp. Tuy nhiên, những sản phẩm làm ra còn đơn giản, cần phải tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn. Cơ sở sản xuất của mô hình HTX còn khá thủ công, trong thời gian tới, HTX cần phải cải thiện quy trình sản xuất hiện đại hơn, đáp ứng yêu cầu thực tế.
Trong quá trình nghiên cứu xây dựng dự án tại tỉnh Bắc Kạn, KOICA sẽ phối hợp với địa phương để nâng cao nhận thức cho người nông dân, áp dụng kỹ thuật tiên tiến, hiện đại vào trồng trọt, đảm bảo nông sản an toàn không có thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo tiêu chuẩn phù hợp có thể xuất bán ra các thị trường nước ngoài. Chương trình cũng sẽ xem xét, tạo điều kiện cho bà con vay vốn ưu đãi trong phạm vi của dự án nhằm giúp người dân có vốn để đầu tư sản xuất. Qua các hoạt động trên, KOICA cũng sẽ rút ra kinh nghiệm để xây dựng dự án tại tỉnh Bắc Kạn có hiệu quả hơn./.
Quý Đôn – Hồng Tuyến