Vì sao Bạch Thông khó mở rộng diện tích cây cam sành

BBK - Nhận thấy giá trị kinh tế và tiềm năng phát triển của cây cam sành, huyện Bạch Thông đề ra kế hoạch trồng mới 500ha giai đoạn 2020 - 2025 . Tuy nhiên, việc thực hiện kế hoạch này 2 năm qua gặp khó khăn vì nhiều lý do.

Dù được quan tâm chỉ đạo, cùng các chính sách hỗ trợ đi cùng nhưng việc mở rộng diện tích cây cam sành ở huyện Bạch Thông vẫn gặp khó khăn.

Dù được quan tâm chỉ đạo, cùng các chính sách hỗ trợ đi cùng nhưng việc mở rộng diện tích cây cam sành ở huyện Bạch Thông vẫn gặp khó khăn.

Thiếu quỹ đất trống

Khuổi Cò là thôn thuần nông của xã Dương Phong, thu nhập của người dân chủ yếu từ cây ăn quả có múi. Khi cây quýt thoái hóa mạnh, lãnh đạo thôn vận động bà con chuyển dần sang trồng cây cam sành với nhiều ưu thế về kỹ thuật và kinh tế. Tuy nhiên, từ năm 2021 đến nay, việc mở rộng diện tích loại cây ăn quả có múi này gặp khó khăn vì nhiều nguyên nhân.

Bí thư Chi bộ Khuổi Cò, ông Dương Văn Hoàn cho biết: "So với cây quýt thì cam sành cho giá trị kinh tế cao hơn, thời gian thu hoạch kéo dài và dễ bảo quản. Nhiều hộ có ý định chuyển đổi dần diện tích quýt già cỗi sang trồng cam sành theo đề án của huyện. Tuy nhiên, năm 2021 - 2022, toàn thôn chỉ trồng được hơn 2ha, năm nay bà con không đăng ký trồng mới. Nguyên nhân do quỹ đất trống của người dân không còn nhiều, diện tích quýt thoái hóa muốn chuyển sang trồng cam sành cũng cần thời gian cho đất "nghỉ", việc cung ứng giống chưa kịp thời".

Không chỉ Khuổi Cò, các thôn của xã Dương Phong đều gặp khó trong phát triển cây cam sành. Năm 2022, Dương Phong là địa phương thực hiện tốt nhất việc trồng cây cam sành theo đề án chung của huyện với hơn 20ha, nhưng cũng chưa đạt được 50% kế hoạch giao. Năm 2023, xã được giao chỉ tiêu trồng mới 20ha, nhưng người dân đăng ký thực hiện chỉ hơn 2ha, nguyên nhân chủ yếu được xác định là quỹ đất không còn nhiều.

Chủ tịch UBND xã Quang Thuận, ông Nông Văn Bình cho biết: Nếu đặt lên bàn cân để so sánh thì cam sành cho hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều loại cây ăn quả khác của địa phương. Vì vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, các thôn tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân mở rộng diện tích cây cam sành. Tuy nhiên, kết quả sau hơn 2 năm thực hiện không được như mong muốn. Cụ thể, năm 2022, toàn xã trồng được 6,7/25ha theo kế hoạch, còn năm nay người dân đăng ký trồng rất ít. Nguyên nhân chủ yếu do quỹ đất trống của địa phương không còn nhiều, trong khi vùng quýt thoái hóa muốn chuyển sang trồng cam cần khoảng 2 - 3 năm để cải tạo đất.

Nguy cơ phải điều chỉnh mục tiêu đề án

Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ huyện Bạch Thông xác định thực “Chuyển đổi cơ cấu cây ăn quả cam, quýt và phát triển cây hồi dược liệu theo hướng bền vững gắn với tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2020-2025” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó mục tiêu cụ thể đến năm 2025, huyện phấn đấu trồng mới 500ha cây cam sành.

Cụ thể hóa nghị quyết trên, UBND huyện Bạch Thông xây dựng đề án, ban hành các chính sách nhằm thực hiện mục tiêu trồng thêm 500ha cam sành. Tuy nhiên, ngay năm đầu triển khai đã gặp trở ngại, kế hoạch đề ra là trồng 100ha nhưng thực hiện được hơn 50ha. Năm 2022, kết quả còn đạt thấp hơn, toàn huyện chỉ trồng mới được 28,6/115ha theo kế hoạch. Mục tiêu đặt ra năm 2023 là trồng 50ha nhưng đến nay người dân cũng chỉ đăng ký thực hiện hơn 10ha.

Như vậy, đến nay tổng diện tích trồng mới cam sành và dự kiến trồng trong năm 2023 của huyện Bạch Thông gần 100ha, so với mục tiêu đặt ra đến năm 2025 còn khoảng cách rất xa. Muốn hoàn thành kế hoạch, hai năm tiếp theo huyện phải trồng được 400ha. Đây là nhiệm vụ rất khó khả thi, nguy cơ không đạt kế hoạch.

Phó Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông, ông Hoàng Văn Kiệm cho biết: UBND huyện dự kiến sẽ báo cáo tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ huyện và xin điều chỉnh diện tích trồng mới cam sành giai đoạn 2020 - 2025 cho phù hợp với tình hình thực tiễn. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động, thực hiện chính sách hỗ trợ khuyến khích người dân mở rộng diện tích loại cây trồng có giá trị kinh tế cao này./.

Xem thêm