Vụ động đất kinh hoàng ở Nhật Bản: Gần 2 nghìn người chết và mất tích

Những cảnh báo về khả năng rò rỉ chất phóng xạ tại nhà máy điện nguyên tử Fukushima 1 (còn gọi là Fukushima Dai-ichi) đang trở thành hiện thực sau khi cảnh sát tỉnh Fukushima cho biết (chiều 12/3), có tiếng nổ lớn tại tổ máy số 1 khiến 4 người bị thương. Đài truyền hình NHK tuy dẫn lời Cơ quan An toàn Hạt nhân Nhật Bản xác nhận thông tin trên nhưng hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân vụ nổ.Những diễn biến phức tạpGiới truyền thông đưa tin, tường và mái của nhà máy này đã bị thổi tung và lửa cùng khói bốc lên trong khi mức độ phóng xạ cao gấp 20 lần so với bình thường. Hệ thống làm lạnh của lò phản ứng đã bị hỏng và mực nước làm mát cũng xuống thấp hơn mức bình thường. Các chuyên gia cho rằng, lõi của lò phản ứng có thể đã bị nóng chảy và rò rỉ phóng xạ đã xuất hiện tại khu vực này. Một số người đang nghĩ tới kịch bản xấu nhất nếu xuất hiện "Chernobyl" tại Nhật Bản. Người dân ở gần khu vực nhà máy được khuyến cáo ở trong nhà.Thủ tướng Naoto Kan cũng xác nhận tin này, đồng thời cho biết, đã có một lượng nhỏ phóng xạ bị rò rỉ tại các nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Fukushima. Cơ quan cứu hỏa Tokyo đã cử một nhóm cứu hộ chuyên trách tới nhà máy này để khắc phục hậu quả.
Một phụ nữ bên trong tòa nhà được cứu ngày 12/3.
Một phụ nữ bên trong tòa nhà được cứu ngày 12/3.
Có người nói rằng, mức độ phóng xạ ghi nhận tại phòng kiểm soát lò phản ứng ở khu vực này cao hơn 1.000 lần mức bình thường song vẫn chưa đến mức đòi hỏi các công nhân phải sơ tán. Được biết, hệ thống làm lạnh của nhà máy này đã bị hỏng sau trận động đất mạnh 8,9 độ richter chiều 11/3. Chính phủ Nhật Bản đã sơ tán người dân trong bán kính 10km xung quanh nhà máy kể trên và 3km xung quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima số 2. Khoảng 45.000 người gần nhà máy điện nguyên tử Fukushima 1 được lệnh sơ tán gấp.Ngoại trưởng Hillary Clinton cho biết, Mỹ đang chở chất làm lạnh đến nhà máy kể trên. Tổng thống Barack Obama cũng cho biết, đã yêu cầu Bộ trưởng Năng lượng Steve Chu theo dõi chặt chẽ để trợ giúp khi cần thiết và trong trường hợp mất an toàn tại các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản sẽ đối phó ngay lập tức. Cơ quan năng lượng nguyên tử Quốc tế (IAEA) cũng sẽ tăng cường hỗ trợ Nhật Bản nhằm đảm bảo an toàn tại nhà máy điện hạt nhân của nước này.
Các phóng viên Văn phòng AP tại Tokyo trú ẩn dưới cái bàn trong trận động đất.
Các phóng viên Văn phòng AP tại Tokyo trú ẩn dưới cái bàn trong trận động đất.
Được biết, sáng 12/3, Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO) đã thông báo với Chính phủ về tình hình khẩn cấp ở nhà máy này khi chỉ số áp suất trong khoang chứa lò phản ứng liên tục tăng. Do lo ngại các khoang chứa này có thể bị vỡ, TEPCO đã quyết định mở van xả khí để giảm áp suất. Đây là trường hợp đầu tiên phát hiện phóng xạ rò rỉ ra bên ngoài kể từ khi xảy ra động đất hôm 11/3...Cũng trong ngày 12/3, đại diện của tổ chức hoạt động về môi trường Greenpeace đã lên tiếng cảnh báo về sự cố đối với nhà máy nguyên tử Fukushima số 1 và Fukushima số 2 bởi có thể tạo ra những hậu quả tàn phá nặng nề. Giới truyền thông nhiều nước đưa tin, từ sáng 12/3, Nhật Bản đã bắt đầu chiến dịch cứu hộ khổng lồ trong khi Thủ tướng Naoto Kan triệu tập phiên họp khẩn trước khi tới thị sát vùng thảm họa bằng máy bay, trong đó có nhà máy điện nguyên tử Fukushima 1.
Một người dân được giải cứu bằng trực thăng từ mái nhà của một trường tiểu học sau trận động đất và sóng thần tại Sendai, Đông Bắc Nhật Bản.
Một người dân được giải cứu bằng trực thăng từ mái nhà của một trường tiểu học sau trận động đất và sóng thần tại Sendai, Đông Bắc Nhật Bản.
Bộ Công nghiệp Nhật Bản cho biết, 11 lò phản ứng hạt nhân đã tự động ngừng hoạt động ở nhà máy Onagawa, các lò phản ứng số 1 và số 2 của nhà máy điện Fukushima và lò phản ứng số 2 của nhà máy điện Tokai đã ngừng hoạt động. Trước những diễn biến phức tạp của tình hình, Thủ tướng Naoto Kan đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp về điện hạt nhân nhằm đề phòng khả năng có thể xảy ra thảm họa về nguyên tử ở nước này.Giới chuyên môn coi trận động đất mạnh 8,9 độ richter xảy ra hồi 14h46’ ngày 11/3 (theo giờ địa phương) có cường độ mạnh nhất trong vòng 140 năm qua ở xứ sở Phù tang và đã gây ra sóng thần cao tới 10m. Hơn 50 dư chấn, trong đó có trận mạnh 6,8 độ richter đã làm rung chuyển Nhật Bản.
Nhân viên cứu hộ tại một tòa nhà sau trận động đất ở khu tài chính của Tokyo.
Nhân viên cứu hộ tại một tòa nhà sau trận động đất ở khu tài chính của Tokyo.
Sáng 12/3, một dư chấn với cường độ 6,8 độ richter lại làm rung chuyển bờ biển phía Đông của Nhật Bản. Dư chấn xảy ra ở độ sâu 24km với tâm chấn cách thành phố Sendai, tỉnh Miyagi 174km về hướng Đông Đông Nam đã gây lở đất, lở tuyết. Cơ quan Khí tượng Nhật Bản (JMA) đã kêu gọi người dân cảnh giác về khả năng xảy ra các dư chấn với cường độ có thể cao hơn 7 độ richter trong tháng tới và có thể gây ra sóng thần.Cho tới nay Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương (PTWC) của Mỹ đặt tại Hawaii đã mở rộng phạm vi cảnh báo sóng thần tới hầu hết khu vực Thái Bình Dương, từ Nga, Đài Loan, Philippines, Indonesia, Papua New Guinea, Hawaii đến bờ Tây Nam và Trung Mỹ.Con số thiệt hạiThủ tướng Naoto Kan khẳng định, chính phủ sẽ làm bất cứ điều gì có thể để cứu trợ và hỗ trợ người dân, trong đó việc cứu người là ưu tiên hàng đầu. Giới truyền thông Nhật Bản đưa tin, đã tìm thấy khoảng 300 thi thể tại thành phố Sendai, thủ phủ tỉnh Miyagi bị sóng thần tấn công.Theo ước tính ban đầu, thiệt hại của trận động đất sẽ khiến số tiền các công ty bảo hiểm toàn cầu phải chi trả có thể lên tới 50 tỷ USD.Cảnh sát và lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản vẫn đang đánh giá tổn thất do trận động đất và sóng thần gây ra. Quân đội cũng được huy động (hàng nghìn người cùng 300 máy bay và 40 tàu thuyền) để tham gia công tác cứu trợ. Bộ Quốc phòng cho biết, khoảng 8.400 binh sỹ đã được triển khai hoặc đang chuẩn bị triển khai tới các khu vực bị ảnh hưởng bởi động đất và sóng thần.
Phụ nữ chờ đợi trên đường phố sau khi sơ tán ra khỏi một tòa nhà sau trận động đất. Ảnh: Boston.com.
Phụ nữ chờ đợi trên đường phố sau khi sơ tán ra khỏi một tòa nhà sau trận động đất. Ảnh: Boston.com.
Tính đến 18h ngày 12/3, con số người chết vượt quá 750 người, hơn 700 người mất tích và gần 1.000 người bị thương. Con số thương vong hiện vẫn chưa thống nhất bởi nhiều hãng thông tấn cho rằng, số người chết và mất tích hiện lên tới 2.000.Theo Đài truyền hình NHK, tính đến sáng 12-3, số người chết và mất tích đã tăng lên hơn 1.800 người tại 10 tỉnh, thành. Phát biểu tại cuộc họp báo đêm 11/3, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yukio Edano cũng thừa nhận, số người chết trong trận động đất là cực kỳ lớn.Giới truyền thông đưa tin, sau trận động đất mạnh 8,9 độ richter, hơn 4 triệu khách hàng ở Tokyo đã bị ngừng cấp điện, hàng trăm chuyến bay nội địa bị hoãn, hàng ngàn hành khách mắc kẹt tại 2 sân bay Narita và Henada… Hệ thống tàu điện ngầm Tokyo, bận rộn nhất thế giới với khoảng 8 triệu hành khách mỗi ngày cũng phải đóng cửa. Đường sắt Nhật Bản thông báo không thể tìm ra dấu vết của 4 con tàu dọc bờ biển Đông Bắc, còn 1 tàu chở 100 khách được báo mất tích.
Nhà máy điện nguyên tử Fukuskima 1.
Nhà máy điện nguyên tử Fukuskima 1.
Được biết, có khoảng 116.000 người ở Tokyo không thể về nhà vào tối 11/3 vì hệ thống giao thông bị cắt đứt. Được biết, giao thông ở Tokyo đã rơi vào hỗn loạn chiều tối 11/3 và đến sáng 12/3 nhiều người vẫn chưa thể về nhà bởi giao thông vẫn chưa thông suốt. Chính quyền Tokyo đã quyết định mở các cơ sở công cộng và các trường học do thủ đô quản lý để những người không thể về nhà tạm thời trú ngụ.Giới khoa học cho rằng, sức mạnh của trận động đất trưa 11/3 cao gấp 8.000 lần so với trận động đất Christchurch ở New Zealand hồi tháng trước. Trận động đất mạnh tới mức có thể cảm nhận ở tất cả các khu vực dọc bờ biển Thái Bình Dương của Nhật Bản, trong đó có thủ đô Tokyo và thành phố Oska. Hãng AP đã phát đi những hình ảnh về sân bay Sendai bị tàn phá nghiêm trọng.Một trong những khu vực bị tàn phá nặng nề nhất là cảng Sendai ở Miyagi, nơi có khoảng 300 thi thể đã được tìm thấy. Khoảng 1.800 ngôi nhà cũng bị phá hủy ở Minamisoma thuộc Fukushima. Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, 1.800 hộ dân ở thành phố Minamisoma, tỉnh Fukushima đã bị sóng thần san phẳng hoàn toàn, nhưng họ vẫn chưa tiếp cận được khu vực này nên chưa thể xác định con số thiệt hại.Nhằm trấn an dư luận, ngày 12/3, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản Masaaki Shirakawa đã tuyên bố, sẽ đảm bảo và duy trì tính thanh khoản cũng như sự ổn định của các thị trường tài chính sau khi nước này gặp thiên tai. Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã thành lập một nhóm quản lý, giải quyết thảm họa và đặt trụ sở làm việc tại thủ đô Tokyo. Được biết, nhiều hãng sản xuất công nghiệp hàng đầu của Nhật Bản như Toyota, Nissan, Sony… đã buộc phải đình chỉ sản xuất tại nhiều địa điểm do bị động đất và sóng thần làm hư hỏng các cơ sở sản xuất. Sự trợ giúp từ bên ngoàiTổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cho biết, Liên hợp quốc sẽ theo dõi sát sao tình hình hiện nay ở Nhật Bản, cũng như các dư chấn xảy ra ở khu vực Thái Bình Dương và Đông Nam Á. Liên hợp quốc cho biết, sẵn sàng gửi 30 đội cứu hộ và tìm kiếm (y tế, chó nghiệp vụ) đến hỗ trợ Nhật Bản. Tổng thống Barack Obama đã nói với Thủ tướng Naoto Kan về đề nghị cử một hàng không mẫu hạm đang có mặt ở Nhật và một hàng không mẫu hạm khác, một chiến hạm tới giúp đỡ Nhật Bản khắc phục hậu quả thiên tai.Trước đó, tân Ngoại trưởng Takeiaki Matsumoto cũng đã đề nghị quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản tham gia hoạt động cứu trợ sau thảm họa động đất và sóng thần. Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã đề nghị sự hỗ trợ tìm kiếm và cứu nạn từ Mỹ, Australia, New Zealand và Hàn Quốc.Cơ quan Phát triển Quốc tế tại Mỹ đã cử 1 đội trợ giúp, 1 đội tìm kiếm cứu nạn (mỗi đội khoảng 72 nhân viên cùng chó nghiệp vụ) và khoảng 75 tấn thiết bị đến Nhật Bản. Nhiều nước và tổ chức quốc tế đã và đang lên tiếng cứu trợ Nhật Bản. Đến nay đã có hơn 70 đội cứu hộ từ nhiều chính phủ khác nhau sẵn sàng tham gia cứu trợ. Được biết, đội cứu hộ đầu tiên của Australia có mặt tại Nhật Bản tối 12/3. Mặc dù nhà cửa, phương tiện giao thông bị sóng cuốn trôi, nhiều hoạt động giao thông bị đình trệ, nhiều nơi bị mất điện… nhưng thông qua mạng xã hội Twitter và Facebook, người dân Nhật Bản vẫn liên lạc với mọi người trên thế giới. Đây không phải là lần đầu tiên mạng xã hội được sử dụng trong thời điểm thảm họa diễn ra bởi nó từng phát huy tác dụng khá cao - trở thành đường dây nóng của các nạn nhân động đất ở Chile và Haiti hồi năm ngoái.
Theo CAND

Xem thêm