Phiêng Phàng từng là thôn vùng cao khó khăn nhất của xã Yến Dương (Ba Bể), giao thông cách trở, đi lại khó khăn. Từ nguồn vốn Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, Phiêng Phàng đã được đầu tư đường bê tông kiên cố. Có đường, cảnh bụi bặm khi trời nắng hay bùn lầy khi trời mưa chỉ còn là ký ức. Đường làng ngõ xóm khang trang, rừng cây xanh mát, phương tiện vận tải vào tận cuối thôn đã mở ra một tương lai tươi sáng cho người dân nơi đây.
Những năm qua, từ nguồn hỗ trợ của các chương trình, dự án về xây dựng cơ sở hạ tầng và các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ cây, con giống, người Dao Phiêng Phàng đã thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm để phát huy thế mạnh của địa phương. Nếu như trước đây, bà con chỉ khai phá đất ruộng canh tác lúa, ngô, sắn, thu nhập không cao thì nay nhiều hộ đã biết cách làm kinh tế du lịch.
Không còn phải lo lắng, đi xin từng chậu nước vào mùa khô, giờ đây, bà Hoàng Thị Điềm, thôn Khau Ca, xã Mỹ Thanh (Bạch Thông) có thể yên tâm về nguồn nước sinh hoạt, đảm bảo vệ sinh khi công trình nước sạch thuộc Chương trình MTQG mới được đầu tư xây dựng ở thôn. Công trình hoàn thành đi vào sử dụng thể hiện sự quan tâm của Nhà nước tới vùng đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn như Khau Ca, giúp thay đổi đời sống của người dân ở đây.
“Có công trình này gia đình tôi không phải đi gánh nước nữa, nước đầy đủ chảy về đến tận nhà, chúng tôi rất vui”, bà Hoàng Thị Điềm chia sẻ.
Cuối năm 2023, gia đình anh Lê Văn Tuấn ở Bản Lù, xã Tân Sơn (Chợ Mới) phấn khởi chuyển vào ngôi nhà mới được xây dựng kiên cố, khang trang trị giá hơn 200 triệu đồng. Là gia đình thuộc diện hộ nghèo của địa phương, ngôi nhà cũ trước đây dột nát, chưa có điều kiện để làm mới. Khi Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS được triển khai, khó khăn về nhà ở của anh Tuấn được giải quyết.
Đây chỉ là một trong số gần 400 hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở theo Chương trình. Ngoài nhà ở, nước sạch cũng là một trong những yêu cầu bức thiết của người dân vùng DTTS. Trong hai năm 2022, 2023, từ nguồn vốn Chương trình MTQG, Bắc Kạn đã thực hiện 57 công trình nước sinh hoạt tập trung tại các thôn, bản còn khó khăn về nước sạch; giao trên 18 tỷ đồng cho các địa phương mua téc, vòi dẫn nước, tạo nguồn nước sinh hoạt cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ DTTS, góp phần mang lại nguồn nước bảo đảm, giúp nâng cao sức khoẻ của cộng đồng.
Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã tích hợp 118 chính sách dân tộc trong các giai đoạn trước cùng với chính sách mới xây dựng thành 10 dự án, 14 tiểu dự án và 36 nội dung thành phần. Với tính bao phủ toàn diện các lĩnh vực, Chương trình đang bước đầu tạo ra thay đổi tích cực tại các địa bàn khó khăn.
Đến nay, Bắc Kạn đã phân bổ trên 2.000 tỷ đồng cho 10 dự án thành phần của chương trình. Từ nguồn vốn được giao, hiện đã có 334 công trình thiết yếu được đầu tư, nâng cấp sửa chữa; gần 500 hộ dân được hỗ trợ làm nhà ở; 170 mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị để tạo sinh kế ở các địa phương được tổ chức thực hiện. Trong năm 2023, Bắc Kạn có 23/29 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 6,33%, xếp thứ 33 so với cả nước; giảm 2,76% hộ nghèo… kết quả này có phần đóng góp từ nguồn lực Chương trình MTQG.
Quá trình triển khai thực hiện có nhiều khó khăn, vướng mắc, bất cập phát sinh. Với vai trò là cơ quan chủ trì thực hiện, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn đã chủ động tham mưu cho tỉnh các giải pháp nhằm tháo gỡ. Không chỉ thực hiện nhiệm vụ tổng hợp báo cáo tiến độ, kết quả thực hiện, Ban Dân tộc còn chủ động đi thăm nắm, kiểm tra tại cơ sở để cùng các đơn vị, địa phương bàn giải pháp thực hiện. Nhờ đó giúp các đơn vị, địa phương khắc phục phần nào vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các chương trình, dự án thành phần.
Ông Nguyễn Vũ Mão, Bí thư Đảng ủy xã Vũ Muộn (Bạch Thông) cho biết: “Là địa phương còn gặp khó khăn nên nguồn lực từ các chương trình MTQG rất quan trọng đối với xã. Không chỉ giúp địa phương hoàn thiện hạ tầng cơ bản mà các chương trình, dự án về nông, lâm nghiệp còn tạo sinh kế bền vững cho người dân”.
Bà Triệu Thị Thu Phương, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Kạn cho biết: Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi được đánh giá là giải pháp tổng lực giúp thay đổi bộ mặt và nâng cao chất lượng đời sống cho đồng bào vùng cao. Thực tế cho thấy, nguồn lực từ chương trình này đã thực sự giải quyết những nhu cầu cấp thiết, đa dạng cho đồng bào vùng cao, tăng cường kết cấu hạ tầng nông thôn, miền núi. Trong quá triển triển khai thực hiện có những khó khăn, vướng mắc phát sinh, là cơ quan chủ trì thực hiện, Ban Dân tộc tỉnh tích cực phối hợp với các ban, ngành, địa phương tham mưu cho tỉnh tháo gỡ và kiến nghị cấp trên tháo gỡ cũng như chủ động kiểm tra ở các địa phương, đặc biệt là ở cấp xã./.