Xã Cao Sơn:Cần quy hoạch bãi chăn thả để phát triển gia súc

 

Là địa phương có truyền thống chăn nuôi đại gia súc, xã Cao Sơn (huyện Bạch Thông) hàng năm luôn ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư vào chăn nuôi, qua đó giúp người dân có cơ hội thoát nghèo. Tuy nhiên song song với việc phát triển tổng đàn thì nơi đây cần phải quy hoạch bãi chăn thả để phục vụ lâu dài.

Ông TRương Văn Thành ở thôn Thôm Khoan tận dụng các lá ngô sau thu hoạch làm thức ăn cho đàn trâu
Ông Trương Văn Thành ở thôn Thôm Khoan tận dụng các lá ngô sau thu hoạch làm thức ăn cho đàn trâu

So với mặt bằng chung của huyện, điều kiện kinh tế- xã hội ở Cao Sơn còn hết sức khó khăn, toàn xã có 216 hộ nhưng có 71 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 32,87 %. Phần lớn đất đai nơi đây là rừng phòng hộ, đất phục vụ sản xuất hạn chế. Để tìm ra hướng phát triển kinh tế phù hợp với đặc thù của vùng, những năm qua, cấp ủy, chính quyền xã Cao Sơn luôn khuyến khích người dân chú trọng vào chăn nuôi. Nhờ vậy tổng đàn gia súc hàng năm luôn duy trì trên dưới 500 con, hiện đàn bò có 221 con, trâu 273 con, các thôn chăn nuôi tập trung gồm thôn Thôm Khoan, thôn Thôm Phụ, Lủng Chuông, Lủng Cháp…với tập quán chăn nuôi là bán chăn thả.


Theo đồng chí Đặng Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND xã Cao Sơn:  Để chăn nuôi mang lại thu nhập bền vững cho người dân, mỗi năm thông qua các chương trình phát triển sản xuất của Nhà nước như 135, nông thôn mới, địa phương đều hỗ trợ mua giống trâu, bò sinh sản hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo. Năm nay, xã tiếp tục có kế hoạch cấp 16 con trâu, bò với tổng giá trị 204 triệu đồng cho 16 hộ nghèo và cận nghèo, từ việc hỗ trợ ban đầu không chỉ giúp các hộ có cơ hội thoát nghèo mà con góp phần nâng cao chất lượng con giống, duy trì tổng đàn. Ngoài hỗ trợ của Nhà nước, nhiều hộ dân nơi đây cũng tự chủ động đầu tư chăn nuôi trâu, bò đem lại thu nhập khá. Cụ thể như hộ ông Triệu Phúc Đường, ở thôn Thôm Phụ, hiện gia đình ông có 17 con bò, gia đình ông  đời sống ổn định.

Ông Trương Văn Thành, ở thôn Thôm Khoan lại có cách chăn nuôi khác, luôn duy trì trong chuồng từ 2-3 con trâu, nuôi kiểu vỗ béo, trâu đạt trọng lượng mới bán, thu về hàng chục triệu đồng, đủ trang trải chi phí trong gia đình. Ông Thành giải thích: “Do đất sản xuất ít, ở nông thôn không có thu nhập nên phải duy trì nuôi gia súc, bây giờ bãi chăn thả ngày càng thu hẹp, động vào đâu cũng là rừng cấm nên khá khó khăn cho người chăn nuôi.

Cao Sơn có thế mạnh về chăn nuôi đại gia súc nhưng lại thiếu bãi chăn thả, đây cũng là vấn đề mà địa phương rất muốn được các cấp ngành, quan tâm
Cao Sơn chú trọng chăn nuôi đại gia súc nhưng lại thiếu bãi chăn thả.


Có thể nói, chăn nuôi gia súc là hướng phát triển kinh mang lại hiệu quả thiết thực cho nhiều hộ dân ở xã Cao Sơn. Với truyền thống chăn nuôi lâu đời, người dân nơi đây đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ đàn gia súc như hạn chế thả gia súc lên rừng trong những ngày giá lạnh, chủ động dự trữ nguồn thức ăn  như rơm rạ, trồng cỏ voi, tích cực phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc.

Cũng theo bà Đặng Thị Hằng, Phó Chủ tịch UBND, xã cái khó hiện nay trong chăn nuôi ở địa phương là thiếu khu vực chăn thả. Từ thực tế đó, địa phương mong muốn thời gian tới Nhà nước cần xem xét, quy hoạch khu vực chăn thả, tiếp tục có những chính sách hỗ trợ cho người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo để có cơ hội vươn lên thoát nghèo. Cùng với chăn nuôi trâu bò, Cao Sơn còn khuyến khích phát triển chăn nuôi lợn, toàn xã hiện có trên 700 con lợn, đây cũng là xã duy nhất đến thời điểm này chưa xuất hiện dịch tả lợn Châu phi.
 

Thu Trang
 

Xem thêm