Nguồn thu từ khoáng sản ngày càng được quản lý chặt chẽ. |
Bám sát mục tiêu, đề ra kế hoạch phù hợp
Trên cơ sở tính toán nguồn thu, dư địa hiện tại, tỉnh Bắc Kạn đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, thu NSNN đạt 1.100 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu đề ra, một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm đang được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bắc Kạn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo là sớm hoàn thành quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng quy hoạch có tầm nhìn, chất lượng, tạo đột phá để phát triển kinh tế - xã hội, phát huy được tiềm năng, lợi thế; lập quy hoạch phân khu tại một số vị trí có lợi thế để thu hút đầu tư.
Trong đó, chú trọng lập quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021 - 2030 nhằm phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế - xã hội và đơn vị hành chính. Trước mắt, tỉnh tiếp tục chú trọng khai thác nguồn thu từ đất để đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Quản lý chặt chẽ nguồn thu thông qua các đề án
Cùng với việc tạo điều kiện để các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất kinh doanh, để tránh tình trạng thất thu thuế, UBND tỉnh đã ban hành nhiều đề án quản lý thuế trong các hoạt động khai thác khoáng sản, thương mại điện tử, chế biến gỗ... Đặc biệt là Quy chế phối hợp công tác quản lý thu, chống thất thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2023 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Triển khai nhiệm vụ, Cục Thuế tỉnh Bắc Kạn thực hiện việc lập dự toán thu ngân sách nhà nước, tổ chức thực hiện công tác thu, tránh thất thu ngân sách. Trong đó, đơn vị đã chủ trì tổ chức triển khai thực hiện dự toán thu hằng năm, đôn đốc, theo dõi, đánh giá, tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về kết quả triển khai thực hiện công tác chỉ đạo, công tác phối hợp thu NSNN của các sở, ban, ngành, địa phương làm cơ sở để đánh giá, xếp loại thi đua hàng năm của các ngành, địa phương. Chủ trì phối hợp với UBND các huyện, thành phố thực hiện rà soát, triển khai giao chỉ tiêu phấn đấu tăng thu cho các Chi cục Thuế phù hợp với thực tế tại từng địa bàn huyện, thành phố, đảm bảo thu nội địa tăng so với dự toán Hội đồng nhân dân tỉnh giao.
Ông Nguyễn Duy Thể, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bắc Kạn cho hay, cùng với việc lập dự toán thu, tổ chức thực hiện công tác thu ngân sách, Cục Thuế tỉnh thường xuyên phối hợp với Kho bạc Nhà nước Bắc Kạn, Sở Tài chính và các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan đôn đốc nộp đầy đủ, kịp thời các khoản thuế, phí, lệ phí, thu khác vào NSNN. Từ đó, các sở, ngành, địa phương, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp, trao đổi thông tin liên quan để phục vụ yêu cầu quản lý thuế, quản lý thu và chống thất thu NSNN theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Cùng với công tác quản lý thu, các đơn vị, địa phương tăng cường phối hợp trong việc tổ chức thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật thuế và các phối hợp khác nhằm phòng chống các hành vi vi phạm pháp luật, kịp thời xử lý hoặc đề xuất xử lý theo thẩm quyền đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý thuế, quản lý thu, nộp NSNN. Tăng cường công tác kiểm tra hồ sơ khai thuế, quyết toán thuế của người nộp thuế nộp tại cơ quan thuế; tổ chức triển khai thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra thuế tại doanh nghiệp, xây dựng kế hoạch và giải pháp xử lý nợ thuế, tập trung xử lý đối với các khoản nợ thuế lớn, kéo dài.
Chi nhánh Xăng dầu Bắc Kạn, một trong những doanh nghiệp có đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh năm 2022, được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen. |
Ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đã được tỉnh ban hành như: Nghị quyết 10-NQ/TU ngày 22/4/2021 của Tỉnh ủy về phát triển nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, mở rộng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 27/4/2022 của HĐND tỉnh quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; các chính sách hỗ trợ tín dụng, máy móc, trang thiết bị, nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp, hợp tác xã…
Từ những chính sách này, nhiều đơn vị, doanh nghiệp đã nâng cao chất lượng hoạt động, tạo nguồn thu cho người lao động, từ đó đóng góp cho ngân sách nhà nước. Theo báo cáo của Liên minh các Hợp tác xã tỉnh, năm 2022, các hợp tác xã đóng trên địa bàn đã đóng góp cho ngân sách nhà nước hơn 4,3 tỷ đồng.
Nhiều doanh nghiệp có đóng góp lớn cho ngân sách tỉnh năm 2022 được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen như: Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn, Công ty Cổ phần cấp thoát nước Bắc Kạn, Công ty TNHH MTV Kim loại màu Bắc Kạn – TCM; Chi nhánh Xăng dầu Bắc Kạn; Công ty Điện lực Bắc Kạn, Viettel Bắc Kạn…
Nuôi dưỡng nguồn thu đang ngày càng trở nên cấp thiết trong bối cảnh nước ta đã ký nhiều hiệp định thương mại tự do, nhiều hiệp định lớn bắt đầu vào giai đoạn thực thi và các quy định cam kết hội nhập kinh tế quốc tế. Khi đó, các doanh nghiệp phải nỗ lực nhiều hơn nữa để đủ tự tin bước vào môi trường cạnh tranh mới./.
(Còn nữa)