Cần có giải pháp tổng thể và hiệu quả hơn để phát triển ngành Dược

BBK - Sáng 22/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

pctqh-thanh-3717-4135.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.

Đầu phiên họp, Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2025 – 2027 và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung này.

Tiếp đó, sau khi Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, các đại biểu đã thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Điều hành phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri và các vị đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan tích cực tổ chức các hoạt động nghiên cứu, tham vấn ý kiến để tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật, xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật và Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách (tháng 8/2024), đồng thời gửi xin ý kiến tiếp thu tối đa, giải trình cụ thể ý kiến các Đoàn ĐBQH, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

btyt-2212-6990.jpg
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Tham gia thảo luận, một số đại biểu đề nghị cần cân nhắc làm rõ một số định nghĩa như tiêu chuẩn cụ thể để xác định dược liệu đạt tiêu chuẩn làm thuốc để có cơ sở xuất và quản lý chất lượng về dược liệu; định nghĩa sinh phẩm chẩn đoán in vitro bởi đây là lĩnh vực phức tạp, có thể gây nhầm lẫn… Đại biểu đề nghị nghiên cứu rút ngắn thời gian đăng ký lưu hành thuốc, đơn giản hóa thủ tục đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc, đặc biệt đối với thuốc hiếm, vaccine đã được Tổ chức Y tế thế giới tiền thẩm định và thuốc đã được thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam, thuốc điều trị bệnh hiếm gặp nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời thuốc thiết yếu cho việc phòng bệnh, điều trị bệnh.

Nhiều đại biểu đề nghị cần có giải pháp tổng thể và hiệu quả hơn để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành dược, trong đó xem xét điều chỉnh lại quy định cụ thể về vốn đầu tư với quy mô đầu tư tối thiểu để được hưởng ưu đãi và tiến độ giải ngân phù hợp để phát triển công nghệ, chuyển giao công nghệ sản xuất dược liệu, thuốc cổ truyền từ dược liệu trong nước, dược liệu, dược chất, thuốc mới, thuốc hiếm; xem xét về quyền và trách nhiệm của cơ sở kinh doanh dược có vốn đầu tư nước ngoài (FIE) để có tác động tích cực trong việc huy động và thu hút vốn đầu tư nước ngoài và để nâng cao năng lực phát triển cho các doanh nghiệp trong nước.

Có ý kiến đề nghị quy định chặt chẽ về kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử với quan điểm các thuốc bán online phải là loại thuốc được cấp phép lưu hành tại Việt Nam; cần quy định tiêu chí đối với cơ sở dược phải kê khai giá thuốc để các địa phương tổ chức thực hiện và chưa thực hiện việc kê khai giá đối với cơ sở bán lẻ thuốc… Bên cạnh đó, có ý kiến đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát toàn bộ dự thảo Luật, không luật hóa các vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, đồng thời thay mặt cơ quan soạn thảo tiếp thu các kiến nghị để hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp này./.

Xem thêm