Những trang sử vẻ vang
Thực hiện chỉ thị của Chính phủ và Bộ Quốc phòng, ngày 13/4/1947 tại đồi Độc Lập, thị xã Bắc Kạn (nay tổ 10, phường Đức Xuân, thành phố Bắc Kạn), Ban Chỉ huy Tỉnh đội Bộ dân quân tỉnh Bắc Kạn được thành lập. Kể từ đây, tỉnh ta có cơ quan tham mưu phụ trách công tác quân sự giúp cấp ủy, chính quyền củng cố và phát triển lực lượng, xây dựng các kế hoạch tác chiến, làm nòng cốt trong cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, nhưng khoảng 2 tháng sau khi thành lập, toàn tỉnh đã xây dựng được 17 đại đội dân quân, du kích, với 1.500 cán bộ, chiến sĩ, được trang bị vũ khí tương đối đầy đủ, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ quê hương. Với việc phát triển nhanh về tổ chức và lực lượng đã giúp cho LLVT Bắc Kạn có đủ sức mạnh cùng các địa phương khác bẻ gẫy “gọng kìm” của thực dân Pháp tấn công lên Việt Bắc, làm nên Chiến thắng Thu - Đông năm 1947. Sau chiến thắng này, LLVT Bắc Kạn lớn mạnh không ngừng, tiếp tục lập nhiều chiến công vang dội, trong đó có trận công đồn tại Phủ Thông khiến thực dân Pháp phải rút khỏi Bắc Kạn. Vào ngày 24/8/1949, tại sân bay Cầu Phà (thị xã Bắc Kạn), Tỉnh ủy, Ủy ban kháng chiến hành chính tỉnh tổ chức mít tinh chào mừng tỉnh Bắc Kạn được giải phóng. Bắc Kạn trở thành tỉnh đầu tiên trong cả nước được giải phóng, đóng vai trò là hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn. Phát huy tinh thần cách mạng tiến công, LLVT Bắc Kạn tiếp tục cùng cả nước “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Đã có hơn 8.000 con em đồng bào các dân tộc Bắc Kạn lên đường chiến đấu, hơn 2.000 người trong số đó đã hy sinh vì độc lập, tự do và thống nhất của dân tộc.
Gần dân, giúp dân
Sau 27 năm tái lập tỉnh, bộ mặt kinh tế - xã hội của Bắc Kạn có sự đổi thay rõ nét, đời sống của Nhân dân các dân tộc không ngừng được nâng lên, thành quả này một phần nhờ công tác quốc phòng- an ninh của tỉnh luôn được giữ vững. Trước những yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới đỏi hỏi LLVT tỉnh không ngừng lớn mạnh. Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh luôn quan tâm chăm lo xây dựng và không ngừng nâng cao chất lượng tổng hợp của LLVT. Xây dựng và thực hiện nghiêm các phương án sẵn sàng chiến đấu, không để bị động bất ngờ trong mọi tình huống, phòng, chống có hiệu quả âm mưu “diễn biến hoà bình”, “bạo loạn lật đổ” của các thế lực thù địch.
“Mỗi khi thấy bộ đội về làng là bà con vui và yên tâm lắm. Đầu tháng này, gia đình được bộ đội, dân quân xã và cán bộ địa phương đến giúp phát đồi rừng, tặng quà. Thật lòng, gia đình cảm ơn rất nhiều!”, bà Lý thị Đâu (mẹ liệt sĩ) thôn Thôm Mò, xã Quân Hà (Bạch Thông) chia sẻ.
Không chỉ là đội quân chiến đấu, LLVT tỉnh còn là đội quân công tác luôn hướng về cơ sở thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội. Trên địa bàn tỉnh có thiên tai, cháy rừng đều thấy hình ảnh những người lính không quản ngại gian khó, hiểm nguy hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả. Từ vụ sạt lở kinh hoàng tại xã Công Bằng (Pác Nặm) năm 2009, mưa đá vào đêm Giao thừa năm 2020 tại huyện Ngân Sơn, đến các vụ thiên tai lớn nhỏ hằng năm đều có sự hỗ trợ của LLVT tỉnh. Cùng với đó, rất nhiều đoạn đường, cầu cống hư hỏng được LLVT khắc phục, những con đường nông thôn mới được xây dựng hay những buổi lao động giúp gia đình chính sách thu hoạch nông sản cũng làm ấm lòng Nhân dân.
Đại tá Nguyễn Đình Huỳnh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh cho biết: Không chỉ làm tốt công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, LLVT tỉnh còn tích cực tham gia các chương trình phát triển KT-XH, xoá đói giảm nghèo, xoá nhà tạm, xây dựng nông thôn mới và công tác hậu phương quân đội. Với những đóng góp trên, LLVT Bắc Kạn đã làm sáng thêm hình ảnh người lính Bộ đội Cụ Hồ và là chỗ dựa tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc Bắc Kạn trên con đường xây dựng và bảo vệ quê hương./.
Xuân Nghiệp