Cựu chiến binh làm giàu từ nghề mộc

Với bản chất của người lính Cụ Hồ cùng với sự cần cù, năng động, dám nghĩ, dám làm, ông Nguyễn Thanh Vận- Chi hội trưởng cựu chiến binh tổ 7, phường Nguyễn Thị Minh Khai (thành phố Bắc Kạn) đã mạnh dạn đầu tư xưởng mộc, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Với bản chất của người lính Cụ Hồ cùng với sự cần cù, năng động, dám nghĩ, dám làm, ông Nguyễn Thanh Vận- Chi hội trưởng cựu chiến binh tổ 7, phường Nguyễn Thị Minh Khai (thành phố Bắc Kạn) đã mạnh dạn đầu tư xưởng mộc, giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Xưởng mộc của CCB Nguyễn Thanh Vận (áo trắng) tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên, là hội viên và con em cựu chiến binh trong phường, với thu nhập bình quân từ 200 – 300 nghìn/ngày.
Xưởng mộc của CCB Nguyễn Thanh Vận (áo trắng) tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên, là hội viên và con em cựu chiến binh trong phường.

Khi biết mục đích của chúng tôi là gặp ông để viết bài về tấm gương lao động, sản xuất giỏi, ông Vận cười nói: "Bản thân tôi nhận thấy mình chưa giỏi và còn phải học hỏi nhiều. Thành quả của ngày hôm nay là nhờ sự cần cù, chịu khó, nỗ lực của mấy chục năm lao động, sản xuất. Bác Hồ đã dạy rồi, bổn phận của người Việt Nam, bất kỳ là ai đều phải thi đua. Làm anh bộ đội trong thời chiến thì phải thi đua chiến đấu; hòa bình rồi thì phải thi đua lao động, sản xuất, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội".

Xuất thân trong một gia đình thuần nông ở huyện Na Rì, tháng 2/1983 ông nhập ngũ. Sau 3 năm phục vụ trong quân đội, hoàn thành nhiệm vụ với Tổ quốc, ông trở về quê hương. Những năm đầu, cuộc sống gia đình ông có quá nhiều khó khăn, vất vả. Không cam chịu đói nghèo, năm 1991 ông cùng vợ con đưa nhau ra thành phố Bắc Kạn tìm hướng đi để phát triển kinh tế. Vốn có kinh nghiệm từ nghề mộc của gia đình, ông đã nhận đóng thủ công giường, tủ, bàn, ghế tận nhà cho khách. Năm 1995, nhận thấy các mặt hàng nội thất cao cấp bằng gỗ đang có nhu cầu tiêu dùng lớn, ông mạnh dạn dùng số tiền tiết kiệm được từ việc làm mộc, cộng với vay vốn của anh em và Ngân hàng Chính sách xã hội để mở xưởng sản xuất.

Ban đầu, ông chỉ xây dựng một xưởng mộc nhỏ và đầu tư mua một số dụng cụ cần thiết. Ông Vận bắt đầu từ việc sửa chữa đồ gỗ, chuyên tâm làm giường, tủ, kệ, bàn ghế… Ông đã đi nhiều nơi học hỏi về phương pháp lựa chọn gỗ, sưu tầm nhiều kiểu dáng phù hợp với các điều kiện, hoàn cảnh khác nhau. Bên cạnh đó, ông còn tự học hỏi về các mẫu thiết kế, đồ nội thất hiện đại, với nhiều kích cỡ, công năng khác nhau. Từ đó, có thể tư vấn cho khách hàng nhiều mẫu đẹp, lại rất tiện dụng. Dù sản phẩm được làm thủ công, nhưng với tay nghề cao, được sự tin tưởng của khách hàng, xưởng mộc của ông ngày càng phát triển với quy mô lớn, máy móc, thiết bị phục vụ cho nghề mộc được ông chú trọng đầu tư. Từ việc nắm bắt được nhu cầu thị hiếu của khách hàng, cùng với những yêu cầu cải tiến kỹ thuật, đa dạng sản phẩm, mẫu mã ngày càng đẹp, tiếng lành đồn xa, khách đến đặt hàng ngày càng nhiều. Sản phẩm của xưởng ông Vận làm đến đâu hết đến đó. 

Vừa làm vừa tích lũy vốn, kinh nghiệm và phát triển nhà xưởng. Đến nay xưởng mộc của ông rộng trên 200m2 và hoạt động liên tục, lúc cao điểm xưởng sản xuất từ 20 đến 30 sản phẩm/tháng. Từ nghề mộc, mỗi năm trừ đi các khoản chi phí, ông thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng. Theo ông Vận, nghề mộc không chỉ đòi hỏi đôi tay khéo léo, óc sáng tạo mà còn phải chịu khó học hỏi những mẫu mã mới, nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, nguyên liệu phải bền, bảo đảm chất lượng mới tạo dựng được uy tín với khách hàng. Hiện xưởng mộc của ông góp phần tạo việc làm cho 4 lao động thường xuyên, chủ yếu là hội viên và con em cựu chiến binh trong phường, với thu nhập bình quân từ 200.000 - 300.000 đồng/ngày.

Nói về công việc của mình, ông Vận bộc bạch: Là một người lính, trong đời thường hay trong sản xuất kinh doanh, để có được thành công mình phải giữ được niềm tin vào nghề. Đặt chữ tâm, chữ tín làm trọng và trên hết là đạo đức nghề nghiệp trong kinh doanh; đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề vững chắc kế cận, có như vậy mới sống được với nghề. Càng khó khăn, vất vả càng giúp ta tôi luyện trưởng thành.

Ngoài phát triển kinh tế gia đình, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Vận còn là người chi hội trưởng CCB tích cực tham gia các hoạt động của Hội và tổ. Ông luôn đi đầu hưởng ứng các cuộc vận động như: Ủng hộ quỹ vì người nghèo, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học…Trong hoạt động “Ðền ơn đáp nghĩa”, hàng năm cứ vào dịp tháng 7 hay các ngày lễ, tết ông lại trích từ 1 – 2 triệu đồng để thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, cũng như các cháu là con thương binh, liệt sĩ, nạn nhân chất độc da cam trong tổ, phường.

Bà Nguyễn Thị Tám- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Nguyễn Thị Minh Khai cho biết: “CCB Nguyễn Thanh Vận là chi hội trưởng năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm ổn định cho nhiều lao động tại địa phương với mức lương cao. Bên cạnh đó, đồng chí còn tích cực tham gia các hoạt động của các tổ chức hội; tích cực ủng hộ các quỹ từ thiện được vận động tại địa phương. Nhiệt tình giúp đỡ hội viên khó khăn”.

Với đôi tay khéo léo, óc sáng tạo, sự chịu khó và những thành quả đã đạt được trong lao động sản xuất của cựu chiến binh Nguyễn Thanh Vận, đã khẳng định phẩm chất cao đẹp của người lính không ngại khó, ngại khổ, luôn gương mẫu và tiên phong trong các phong trào, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh…/.


Huyền Thương

Xem thêm