Sau 1 năm thực hiện, một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa theo Nghị quyết số 08 của HĐND tỉnh Bắc Kạn đã được triển khai, bước đầu mang lại kết quả tích cực. Bên cạnh đó, việc thực hiện Nghị quyết còn một số hạn chế, khó khăn cần được các cấp, ngành chủ động tháo gỡ.
Sản phẩm miến dong Nhất Thiện được hỗ trợ cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm. |
Ngay sau khi Nghị quyết ban hành, các cấp ngành chức năng tích cực triển khai nhiều giải pháp để tuyên truyền, thực hiện Nghị quyết. Cụ thể, tăng cường công tác tuyên truyền về nội dung Nghị quyết số 08 trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang thông tin của sở, ngành, địa phương, trên các phương tiện thông tin đại chúng như Báo Bắc Kạn, Đài PTTH tỉnh; các cấp, ngành chức năng có liên quan đã hướng dẫn trực tiếp một số doanh nghiệp, HTX, trang trại, gia trại, tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh hàng hoá nông sản có nhu cầu được hưởng chính sách hỗ trợ của Nghị quyết số 08; tạo điều kiện để các đơn vị khảo sát, lập dự án liên quan đến đầu tư vùng nguyên liệu, thành lập khu thu gom, chế biến nông sản, khu trưng bày giới thiệu sản phẩm…
Sau 01 năm triển khai thực hiện, UBND tỉnh đã tổ chức triển khai thực hiện 09 chỉ tiêu của Nghị quyết, 02 chỉ tiêu đang thực hiện. Cụ thể, đã phê duyệt danh sách 04 HTX tham gia xây dựng mô hình HTX kiểu mới sản xuất gắn với chuỗi giá trị; 1ha sản xuất rau áp dụng công nghệ cao; 100ha sản xuất rau an toàn; 38,5ha cam, quýt và hơn 3ha hồng không hạt; 23,7ha chè đạt tiêu chuẩn VietGap và 10ha được chứng nhận đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, 10ha chè đạt chứng nhận sản xuất chè hữu cơ; đến năm 2017 có hơn 3.000ha rừng trồng cây gỗ lớn và cây đa mục đích; Quỹ hỗ trợ phát triển HTX đạt 2 tỷ đồng. Cùng với đó, đã có 11 HTX vay vốn từ Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh với tổng dư nợ 775 triệu đồng; 07 HTX được hỗ trợ từ nguồn vốn xây dựng nông thôn mới, với tổng kinh phí 861,6 triệu đồng. Ngoài ra, cấp huyện sử dụng nguồn khuyến công, ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ hơn 01 tỷ đồng...
Đối với chính sách hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, đến nay đã có 01 HTX và 01 trang trại được hưởng chính sách hỗ trợ với tổng số vốn cam kết là 2 tỷ đồng, hiện đã giải ngân 1,3 tỷ đồng, số tiền lãi được hỗ trợ là 27,6 triệu đồng, từ ngân sách nhà nước. Ngoài ra, có 09 HTX có nhu cầu vay vốn, tuy nhiên, sau khi thẩm định hồ sơ, chỉ 02 HTX đủ điều kiện nhưng không đến làm thủ tục vay vốn. Mục tiêu chuyển đổi rừng trồng gỗ nhỏ thành rừng kinh doanh gỗ lớn được thực hiện bằng nguồn vốn Dự án quản lý rừng bền vững và đa dạng sinh học nhằm giảm phát thải CO2 (KfW8) với 2.100ha rừng keo tại huyện Chợ Mới và 1.300ha rừng thông tại huyện Ngân Sơn.
Trong lĩnh vực xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm, từ 76,6 triệu đồng kinh phí từ ngân sách nhà nước, đã hỗ trợ thẩm định, cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; giấy chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn cho 05 cơ sở có sản phẩm như tinh bột nghệ, miến dong...
Bên cạnh đó, nhiều hạng mục cũng chưa thực hiện được như hỗ trợ doanh nghiệp, HTX thu mua sản phẩm nông lâm nghiệp cho người dân để chế biến, tiêu thụ; hỗ trợ chi phí xây dựng và mua sắm trang thiết bị cho 02 điểm trưng bày giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm; bố trí kinh phí thực hiện đánh giá, xếp loại, quảng bá, giới thiệu các sản phẩm hàng hóa; hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX thuê đất thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông lâm nghiệp, trồng cây dược liệu...
Quá trình thực hiện hỗ trợ tín dụng cũng cho thấy chưa có quy định cơ chế ràng buộc trong quản lý sử dụng tài sản được ngân sách nhà nước hỗ trợ nên khi HTX ngừng hoạt động hoặc giải thể, nhà nước không có cơ sở quản lý tài sản đã hỗ trợ (HTX Nà Tu, Cẩm Giàng, huyện Bạch Thông được hỗ trợ 300 triệu đồng từ nguồn Chương trình xây dựng nông thôn mới mua máy móc thiết bị, xây dựng nhà xưởng nhưng đã ngừng hoạt động). Việc hỗ trợ mô hình HTX kiểu mới sản xuất gắn với chuỗi giá trị, nhưng qua giám sát cho thấy một số mô hình HTX kiểu mới được lựa chọn nhưng chưa đáp ứng yêu cầu theo mong muốn. Ngoài ra, một số chỉ tiêu của Nghị quyết chưa thực hiện hoặc thực hiện chậm như chỉ tiêu 100ha cây mơ vàng và 200ha cây trồng khác đạt tiêu chuẩn ngành và các tiêu chuẩn khác đảm bảo an toàn thực phẩm.
Sau hơn một năm thực hiện Nghị quyết 08, dẫu còn nhiều tồn tại, hạn chế cần khắc phục nhưng kết quả đạt được rất đáng ghi nhận. Đây là cơ sở để các cấp, các ngành chức năng thực hiện trong những năm tiếp theo nhanh chóng, hiệu quả cao hơn, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh./.
Phan Quý