Ngoài việc giao khoán cho cộng đồng dân cư, lực lượng kiểm lâm huyện Ba Bể còn chủ động tuần tra đột xuất, thăm nắm các vị trí rừng đặc dụng dễ bị xâm hại. |
Huyện Ba Bể có trên 57.920ha rừng, chiếm 89,29% tổng diện tích tự nhiên. Trong đó, diện tích đất rừng sản xuất có hơn 37.672ha; đất rừng phòng hộ có 11.488ha; đất rừng đặc dụng có 8.760,4ha. Rừng tự nhiên phân bố ở tất cả các xã với nhiều loài gỗ quý như: Lát, đinh, lim, sến, táu, dẻ… Nhiều loại cây ôn đới cũng phát triển trên các đỉnh cao của dãy Phia Bjoóc. Trừ thảm rừng vườn quốc gia Ba Bể và khu vực núi cao của dãy Phia Bjoóc là rừng tự nhiên mật độ cao, thảm rừng của phần còn lại chủ yếu là rừng tái sinh, trữ lượng lâm sản thấp.
Ông Trương Quốc Tuân, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ba Bể. |
Ban Quản lý Vườn quốc gia (VQG) Ba Bể hiện được giao quản lý diện tích 10.048ha, trong đó có hơn 7.731ha là rừng đặc dụng; bên cạnh đó thực hiện triển khai các hoạt động đầu tư phát triển vùng đệm có diện tích 25.309ha. Để bảo vệ diện tích rừng đã được giao có hiệu quả, Ban Quản lý VQG Ba Bể đã thực hiện giao khoán quản lý bảo vệ rừng với người dân được hơn 7.140ha cho 39 nhóm/tổ. Triển khai thực hiện các chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng tại 45 cộng đồng thôn bản, chú trọng hỗ trợ các hạng mục chủ yếu như xây dựng nhà họp thôn, làm đường sản xuất, hỗ trợ sửa chữa nhà ở, xây dựng nhà vệ sinh, hỗ trợ hệ thống đèn đường thắp sáng, hỗ trợ thực hiện các mô hình chăn nuôi, trồng trọt phù hợp ở địa phương.
Ông Triệu Thế Khôi, Giám đốc BQL Vườn Quốc gia Ba Bể. |
Ban Quản lý VQG Ba Bể còn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền phổ biến Luật Lâm nghiệp, những quy định của Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; vận động người dân tích cực phát giác các hành vi vi phạm quy định của Nhà nước về quản lý bảo vệ rừng, đồng thời tổ chức đăng ký sử dụng cưa xăng và các phương tiện độ chế theo quy định để quản lý. Tuân thủ quy trình, quy định của Nhà nước về quản lý rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, cải thiện sinh kế cho người dân ở khu vực vùng đệm nhằm giảm tác động tiêu cực đến diện tích rừng được giao quản lý.
Nhờ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp đã đề ra nên từ đầu năm đến nay, Ba Bể đã phát hiện, lập biên bản hồ sơ 37 vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp (giảm 05 vụ so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính 31 vụ việc, thu nộp ngân sách gần 250 triệu đồng. Các vụ việc còn lại chuyển cơ quan cảnh sát điều tra công an huyện điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.
Ông Triệu Thế Khôi, Giám đốc Ban Quản lý VQG Ba Bể cho biết: Từ đầu năm đến nay đơn vị đã chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền đến đông đảo người dân. Tuy nhiên, dịp cuối năm thường diễn biến phức tạp khi người dân đã thu hoạch xong mùa vụ, một số vào rừng khai thác gỗ quý đem bán hoặc vào rừng với mục khác nhưng thiếu hiểu biết có thể gây ra cháy rừng… Để chủ động ngăn ngừa, đơn vị đã triển khai các biện pháp giáo dục, răn đe và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm.
Lực lượng Kiểm lâm VQG Ba Bể đã chủ động phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện và UBND các xã, thị trấn thực hiện tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật đến đông đảo người dân địa phương. Có kế hoạch tuần tra, kiểm tra thường xuyên, đột xuất, mật phục khi có thông tin phản ánh từ cơ sở nhằm ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm.
Với những giải pháp đặt ra, thời gian tới, huyện Ba Bể kỳ vọng công tác quản lý bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí; tạo mối quan hệ hài hòa giữa lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường sinh thái trên địa bàn tiếp tục đạt được những kết quả tích cực./.