Đại biểu Hoàng Thị Hương, đơn vị huyện Na Rì nêu câu hỏi:
- Trong năm 2024, tỉnh giao nguồn thu từ tiền đất là hơn 330 tỷ đồng. Tuy nhiên, một số địa phương nguồn thu đạt thấp so với kế hoạch, dự ước chỉ đạt khoảng 195 tỷ đồng, đề nghị Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết nguyên nhân, lý do và giải pháp thực hiện?
- Một số một số dự án chậm triển khai do vướng mắc khi xác định sự phù hợp quy hoạch sử dụng đất đề nghị ông cho biết trách nhiệm thuộc cơ quan, đơn vị nào và giải pháp thực hiện?
Đồng chí Hoàng Thanh Oai, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời:
Nguồn thu từ đất trong năm 2024 tiến độ thu đạt thấp. Nguyên nhân chính do thị trường đất chững lại; thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp hạn chế; một số địa phương chưa làm tốt công tác chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Về giải pháp: Ngành quan tâm chỉ đạo quyết liệt các giải pháp về quy hoạch, hiện chỉ có 3/8 địa phương thực hiện xong quy hoạch. Điều chỉnh, hoàn thiện bảng giá đất, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình trọng điểm. Các huyện, thành phố tổ chức tốt công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng để hoàn thành các khu, cụm cũng như các khu đô thị, dân cư để đảm bảo quỹ đất thực hiện đấu giá đảm bảo nguồn thu. Đôn đốc các doanh nghiệp chậm nộp thuế, nghĩa vụ liên quan đến đất đai và xử lý các trường hợp chây ỳ.
Một số Dự án chậm triển khai do quy hoạch sử dụng đất: Do hiện chỉ có 3 huyện triển khai hoàn thành quy hoạch; nhiều địa phương vướng mắc trong lập quy hoạch theo Luật Đất đai mới; Thông tư 20 của Bộ Tài nguyên và Môi trường thay thế, gây khó khăn trong công tác lập quy hoạch theo các hướng dẫn cũ. Thời gian tới mong các địa phương rà soát, cập nhật các nội dung liên quan đến quy hoạch.
Sở sẽ phối hợp với các ngành, địa phương điều chỉnh quy hoạch từ cấp xã để làm căn cứ thực hiện xây dựng các công trình dự án trên địa bàn, đảm bảo phù hợp với quy hoạch quốc gia và cấp tỉnh.
Đồng chí Hoàng Thị Hằng, Giám đốc Sở Tài chính bổ sung thêm nội dung: Dự toán thu từ đất năm 2024 là 333 tỷ đồng, tuy nhiên đến nay mới đạt 126 tỷ (38%), nguyên nhân do các địa phương triển khai chậm, nguyên nhân khách quan do thị trường bất động sản đóng băng, thiếu nhà đầu tư tham gia, một số dự án vướng mắc về thủ tục pháp lý…
Đại biểu Lã Văn Hào, đơn vị huyện Ba Bể nêu câu hỏi:
Hiện nay hầu hết các dòng sông, suối trên địa bàn tỉnh người dân đều xả thải, vứt rác bữa bãi xuống sông, suối, chất thải không được thu gom triệt để đề nghị ngành Tài nguyên và Môi trường cho giải pháp thực hiện để tránh ô nhiễm môi trường?
Đồng chí Hoàng Thanh Oai, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời:
Liên quan đến vấn đề xả thải, vứt rác bừa bãi xuống hầu hết các dòng sông suối, tình trạng xả thải chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường, đây chỉ là hiện tượng cục bộ ở một vài nơi. Tuy nhiên, việc xả thải gây ảnh hưởng tác động đến dòng sông suối và gây ô nhiễm môi trường ở mức độ nhất định. Điều đó chứng tỏ công tác tuyên truyền về chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường chưa thực hiện tốt, ý thức của người dân về bảo vệ môi trường chưa cao, vẫn còn xả rác xuống sông, suối mà không thu gom, xử lý.
Thời gian tới ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường nhằm nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân trong công tác quản lý và xử lý rác thải sinh hoạt
Hiện 8/8 huyện đã có nhà máy xử lý rác thải rắn; rác thải hữu cơ phải có công nghệ để làm phân bón. Thời gian tới ngành tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh về Đề án phân loại rác tại nguồn. Tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục đầu tư nguồn lực để xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Đại biểu Nông Thị Ngọc Hân, đơn vị huyện Chợ Đồn nêu câu hỏi:
Ngày 09/9/2024, đã xảy ra sự cố tràn bùn thải từ hồ thải quặng đuôi của xưởng tuyển nổi mỏ kẽm chì Chợ Điền Bản Thi do Chi nhánh Kim loại màu Bắc Kạn - TMC trực thuộc Công ty Cổ phần Kim loại màu Thái Nguyên - Vimico vận hành quản lý, sự cố trên đã ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của một số hộ dân xã Bản Thi, xã Yên Thịnh, Chợ Đồn (Bắc Kạn) và một số xã Bình Phú, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang, Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết việc tham mưu chỉ đạo thực hiện khắc phục sự cố trên đến thời điểm hiện nay như thế nào, việc hỗ trợ thiệt hại cho người dân ổn định cuộc sống như thế nào và trong thời gian tới phục hồi môi trường những khu vực bị ảnh hưởng sẽ tiến hành như thế nào?
Đồng chí Hoàng Thanh Oai, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường trả lời:
Tình trạng này có tác động ảnh hưởng khá lớn đến một số xã trên địa bàn hai tỉnh. Lượng bùn thải 30.000m3 gây ảnh hưởng đến 31 hộ dân ở xã Bản Thi và 131 hộ dân ở xã Yên Thịnh (huyện Chợ Đồn). 159 hộ dân ở xã Bình Phú, huyện Chiêm Hóa (tỉnh Tuyên Quang).
Sở và địa phương đã khẩn trương thông báo các hộ gia đình không sử dụng nước tại các sông suối. Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chỉ đạo hai tỉnh thu gom bùn thải (đã cơ bản hoàn thành). Đơn vị cũng đã khắc phục xây dựng bờ đập đã vỡ, thống kê bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng được khoảng 98% số hộ với số tiền gần 4 tỷ đồng. Sở tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn giám sát chất lượng nước, lấy mẫu để phân tích, đánh giá, khuyến cáo bà con hạn chế lấy nước từ sông suối để sinh hoạt…/.