Đại biểu Nguyễn Thị Hòa, đơn vị huyện Pác Nặm nêu câu hỏi:
Theo báo cáo của UBND tỉnh hiện nay trên địa bàn tỉnh còn 42 thôn bản, lõm sóng di động, xin ông cho biết giải pháp phủ sóng di động cho các thôn, bản lõm sóng trong thời gian tới?
Đồng chí Hoàng Văn Thiên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trả lời:
Đây là ý kiến của rất nhiều cử tri, là nguyện vọng chính đáng của người dân. Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn có 4 doanh nghiệp dịch vụ viễn thông, Viettel; Vinaphone, Mobiphone và Vinacard; 3 nhà mạng lắp đặt trạm BTS. Toàn tỉnh có 882 trạm phát sóng di động BTS, phủ sóng 100% trung tâm địa bàn xã, thị trấn; đến 97% số thôn, bản trong toàn tỉnh.
Hiện nay, tỉnh vẫn còn 42 thôn bản lõm sóng di động, đây là những khu vực dân cư người dân không thể truy cập internet hoặc tốc độ truy cập thấp gây khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ công trực tuyến, giải trí… 42 thôn này đều là những thôn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Sở đã tham mưu, làm việc với các doanh nghiệp dịch vụ viễn thông. Tuy nhiên, hạ tầng viễn thông do các doanh nghiệp đầu tư nên việc chủ động lắp đặt các trạm cơ bản phụ thuộc vào các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn. Mà các doanh nghiệp căn cứ vào nguồn lực, kế hoạch phát triển và các tiêu chí lắp đặt mà 42 thôn bản trên đều có đời sống kinh tế - xã hội khó khăn, người dân sống không tập trung; số lượng hộ ít, do vậy lộ trình cũng chậm hơn.
Giải pháp: Cục Viễn thông đã chỉ đạo các doanh nghiệp địa phương đến tháng 6/2025 cố gắng xóa những vùng lõm sóng, hiện Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục rà soát các vùng lõm sóng. Cũng trong năm 2024 UBND tỉnh đã đưa ra nhiệm vụ trọng tâm xóa vùng lõm sóng tại các thôn bản để phục vụ chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Sở tiếp tục làm việc với các doanh nghiệp viễn thông đề nghị cân đối nguồn lực kinh phí tiếp tục xây dựng thêm các trạm phát sóng trong năm 2025 tại các địa bàn trên toàn tỉnh, tập trung vào 42 thôn còn lõm sóng. Đồng thời, từ nguồn quỹ viễn thông công ích có mục chi hỗ trợ các doanh nghiệp viễn thông để xây dựng các trạm phát sóng, sở đã thống kê và báo cáo UBND tỉnh và UBND tỉnh đã báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông danh sách đề nghị hỗ trợ để triển khai xây dựng trạm phát sóng trong năm 2025.
Đại biểu Âu Thị Hồng Thắm, đơn vị huyện Na Rì nêu câu hỏi:
Hiện nay, phần đa đài truyền thanh các xã, phường, thị trấn chủ yếu phát sóng bằng tiếp sóng đài cấp trên theo khung giờ phát sóng hằng ngày, nội dung tuyên truyền và thông tin của từng địa phương chưa xây dựng được các chuyên mục phát sóng riêng, chưa có nội dung tuyên truyền về địa phương, chưa có kinh phí chi trả nhuận bút, thù lao, đề nghị đồng chí cho biết giải pháp khắc phục những hạn chế trên để phát huy hiệu quả đài truyền thanh cơ sở trong thời gian tới?
Đồng chí Hoàng Văn Thiên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trả lời:
Về chất lượng tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở, tỉnh Bắc Kạn đã có Dự án hoàn thiện hệ thống truyền thanh cơ sở, thực hiện trong năm 2021-2022 tổng kinh phí 20 tỷ đồng, đã đưa vào sử dụng từ năm 2022.
Qua theo dõi đã đạt được mục tiêu theo kế hoạch dự án đề ra. Tổng cộng đã có 2.773 tin bài đã phát trên hệ thống truyền thanh cơ sở và các chương trình phát thanh, do Sở Thông tin và Truyền thông; Trung tâm Văn hóa – Truyền thông và các xã tự biên tập, sản xuất, về cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Tuy nhiên, chất lượng tuyên truyền chưa thật sự tốt, trong đó nhiều nguyên nhân như về cơ sở vật chất, nhân lực, kinh phí…
Sở cũng đưa ra các giải pháp:
- Thứ nhất: Hạ tầng đầu tư phải được đảm bảo.
Thứ hai: Về cơ chế chính sách: Tiếp tục căn cứ các văn bản Trung ương tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các cơ chế chính sách.
Mỗi Đài truyền thanh cơ sở mức hỗ trợ từ 15-18 triệu đồng bao gồm các kinh phí về điện, hạ tầng, cước viễn thông nên rất khó thực hiện. Đơn vị tiếp tục nghiên cứu tham mưu đề xuất với UBND tỉnh về phương án bổ sung nguồn kinh phí.
- Thứ 3 về yếu tố con người: Đề nghị tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương đối với hệ thống truyền thanh cấp xã; bố trí người có đủ năng lực để quản lý, vận hành; tích cực học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.
Đồng thời, Sở thường xuyên mở các lớp tập huấn cho cán bộ truyền thanh cấp xã.
Đại biểu Trần Thị Thu Hương, đơn vị huyện Ngân Sơn nêu câu hỏi:
Hệ thống truyền thanh cơ sở được đầu tư đưa vào sử dụng năm 2022 nhưng ở một số địa phương chưa phát được huy hiệu quả, một số loa hỏng khó khăn trong sửa chữa vì cán bộ phụ trách đài truyền thanh xã không có chuyên môn kỹ thuật, đơn vị cung cấp thiết bị ở xa nên khó khăn trong công tác bảo hành , sửa chữa đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết giải pháp khắc phục tình trạng trên?
Đồng chí Hoàng Văn Thiên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trả lời:
Tính đến hết tháng 11/2024, toàn tỉnh có 105 đài phát thanh cấp xã/108 xã, phường thị trấn còn hoạt động. Do điều kiện khó khăn, đầu tư không đồng bộ. Toàn tỉnh có 1.400 cụm loa các loại Trong đó, có 809 cụm loa ứng dụng công nghệ thông tin. Đến thời điểm này toàn bộ trang, thiết bị loa thông minh do Sở TT&TT đầu tư đã bàn giao cho các xã, phường, thị trấn bảo dưỡng định kỳ. Trong số 809 thì có 269 cụm loa không hoạt động.
Sở Thông tin và Truyền thông đã thành lập 6/12 tổ tư vấn xuống các xã. Đề nghị các xã phối hợp… Phấn đấu đến tháng 01/2025 sẽ khắc phục xong các cụm loa hỏng để phục vụ công tác tuyên truyền, nhất là tuyên truyền đại hội Đảng các cấp. Dự kiến thành lập các tổ kỹ thuật tại các huyện để phục vụ công tác sửa chữa. Về giải pháp lâu dài tỉnh, huyện cần bố trí nguồn kinh phí, nhân lực cho hệ thống truyền thanh cấp xã.
Đại biểu Trần Thị Thu Hương, đơn vị huyện Ngân Sơn nêu câu hỏi:
Đề án Chuyển đổi số tỉnh Bắc Kạn đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, Bắc Kạn nằm trong nhóm trung bình xếp hạng chuyển đổi số các tỉnh, thành phố trong cả nước, hiện nay Bắc Kạn đang nằm trong nhóm nào và đến năm 2025 có đạt được mục tiêu đề ra không? Trách nhiệm của sở trong những tham mưu thực hiện những mục tiêu trên?
Đồng chí Hoàng Văn Thiên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trả lời:
Hằng năm, Bộ Thông tin và Truyền thông có đánh giá về công tác chuyển đổi số tại các tỉnh. Trong công tác chuyển đổi số của tỉnh Bắc Kạn còn nhiều hạn chế, đang ở top cuối của cả nước.
Với trách nhiệm của đơn vị, chúng tôi tiếp tục rà soát lại nguyên nhân hạn chế, xác định nhiệm vụ trong thời gian tới. Tiếp tục tham mưu, trách nhiệm người đứng đầu, rà soát khắc phục những hạn chế. Hoàn thiện thể chế, kiến trúc chính quyền điện tử 3.0. Phát triển hạ tầng số, trung tâm dữ liệu...
Mục tiêu mỗi năm tăng 1 bậc, so với chỉ tiêu đến nay chúng ta có nhiều chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch. Theo như thực tế hiện nay, tỉnh Bắc Kạn khó có thể trả lời tỉnh có nằm trong top trung bình của cả nước vào năm 2025.
Đại biểu Triệu Quang Phong, đơn vị huyện Chợ Đồn nêu câu hỏi:
Xu hướng người dân sử dụng mạng ngày càng phát triển. Tuy nhiên, hiện nhiều thông tin chưa được kiểm chứng ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Đồng chí Giám đốc sở cho biết giải pháp quản lý thông tin trên mạng xã hội, định hướng người dân trong tiếp cận thông tin?
Đồng chí Hoàng Văn Thiên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trả lời:
Thông tin trên mạng tiềm ần nhiều rủi ro, đặc biệt là thông tin giả gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến uy tín của các tổ chức, cá nhân, gây chia rẽ, xung đột trong xã hội… để hạn chế tác hại của thông tin xấu, độc, thông tin giả thì cần có sự vào cuộc của nhiều bên. Sở đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để phòng, chống các thông tin xấu độc, thông tin giả... trên không gian mạng. Chỉ đạo tuyên truyền những thông tin chính thống để át thông tin giả. Đơn vị đã tham mưu thuê hệ thống quản lý các tin bài trên mạng xã hội, thống kê các tin bài liên quan; phối hợp với cơ quan chức năng ngăn chặn những thông tin xấu độc, thông tin giả trên các nền tảng mạng xã hội.
Đồng thời, định hướng các cơ quan báo chí chính thống tuyên truyền thông tin tốt, có những tin bài phản bác thông tin giả, xấu, độc. Tuyên truyền công dân tuân thủ các quy định. Người dùng cần quan tâm lựa chọn những thông tin trên mạng, khi phát hiện thông tin giả, xấu độc cần báo cáo cấp có thẩm quyền. Nhà mạng chủ động rà soát thông tin xấu độc trên mạng…
Đại biểu Nguyễn Minh Hằng, đơn vị huyện Bạch Thông nêu câu hỏi: Khó khăn về nguồn nhân lực số, tài nguyên số và giải pháp trong thời gian tới?
Đồng chí Hoàng Văn Thiên, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông trả lời:
Liên quan đến nguồn nhân lực số, Bắc Kạn gặp khó khăn hơn so với các tỉnh khác do nguồn nhân lực, vừa thiếu, vừa yếu. Toàn tỉnh chỉ có 54 cán bộ chuyên trách công nghệ thông tin… không có cán bộ chuyên môn về an toàn thông tin. Cán bộ công chức hiện nay còn có người chưa sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ thông tin.
Kỹ năng số, an toàn số của một số cán bộ, người dân còn chưa tốt. Tổ công tác cộng đồng có 5.000 thành viên những chất lượng chưa đồng đều, hiệu quả chưa cao…
Giải pháp: Hiện chủ yếu tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thông qua các lớp tập huấn ngắn ngày, khuyến khích cán bộ tự học nâng cao năng lực bản thân, đồng thời Sở Thông tin và Truyền thông sẵn sàng hỗ trợ những lĩnh vực ngành quản lý./.